Đối với nhiều người đang hoặc có ước muốn trở thành doanh nhân, chương trình MBA của Đại học Harvard danh giá thường được xem là một bước đệm tốt trong hành trình khởi nghiệp, từ ý tưởng đến hiện thực hóa.

Nhưng Kim Bom còn làm điều này nhanh hơn thế. Chỉ sau 6 tháng theo học Harvard, anh đã quyết định bỏ giữa chừng và muốn tự mình làm gì đó. Đến nay, sau chưa đầy một thập kỷ, Kim đã trở thành tỷ phú và linh hồn của công ty khởi nghiệp giá trị nhất Hàn Quốc.

Kim Bom, nhà sáng lập Coupand, start-up giá trị nhất Hàn Quốc. Ảnh: CNBC.

Kim Bom, nhà sáng lập Coupand, start-up giá trị nhất Hàn Quốc. Ảnh: CNBC.

Kim chính là nhà sáng lập và CEO của Coupang – công ty thương mại điện tử khổng lồ, được định giá tới 9 tỷ USD, và thậm chí còn làm lu mờ Amazon tại Hàn Quốc. Khi thành lập công ty ở Seoul vào năm 2010 nhằm tận dụng những cơ hội do sự bùng nổ công nghệ mang lại, có lẽ Kim cũng không dự đoán được có ngày nó sẽ chiếm lĩnh gần một nửa thị phần tại Hàn Quốc và phục vụ trên 25 triệu người.

“Lúc còn ở trường kinh doanh Harvard, tôi chợt nghĩ nếu cứ tiếp tục đi theo lối mòn thì mình sẽ có rất ít cơ hội để tạo nên thứ gì đó thật sự có ảnh hưởng,” Kim nói với phong viên chuyên mục Make it của kênh truyền hình CNBC (có trụ sở tại Singapore, chuyên về kinh tế, tài chính, thời sự, …) Tuy nhiên, người đàn ông 41 này cũng khẳng định mình không có tham vọng để trở thành giống như Jeff Bezos (nhà sáng lập và CEO của Amazon, người hiện đang cạnh tranh ngôi vị giàu nhất thế giới với Bill Gates).

Học cách chuyển đổi

Khi mới ra đời, Coupang đã vận hành giống như một nền tảng Group-on (mô hình mua theo nhóm) cho những giao dịch kinh doanh hàng ngày (khuyến khích nhiều người kết thành nhóm, mua chung mặt hàng chào bán trên website để được ưu đãi giá; tại Việt Nam cũng có Nhommua.com, Muachung.com, Cungmua.com, Phagia.vn). Nhưng khi quan sát xu hướng phát triển của thương mại điện tử, Kim đã nhanh chóng chuyển đổi công ty thành một sàn giao dịch theo kiểu eBay với các nhà cung cấp là bên thứ ba (third-party). “Mô hình kinh doanh cùng cách thức vận hành của Coupang đã trải qua rất nhiều biến đổi mới được định hình như hôm nay”, Kim cho biết.

Và mô hình đó đã tỏ ra đặc biệt thành công. Công ty chỉ mất 3 năm để đạt doanh số bán hàng 1 tỷ USD và chuẩn bị hồ sơ lên sàn. Nhưng vào giờ chót, Kim lại quyết định tạm hoãn kế hoạch và nhanh chóng điều chỉnh mô hình, bởi anh tin mình còn có thể làm tốt hơn nữa.

“Chúng ta hãy tự hỏi mình: liệu mô hình mà chúng ta tạo ra, cùng những dịch vụ và trải nghiệm mà nó đem đến cho khách hàng – những người mà chúng ta tri ân – có khiến họ phải kinh ngạc, đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Câu trả lời là: chưa”, Kim nhấn mạnh. Vì thế, anh quyết định làm lại: biến đổi Coupang một lần nữa thành nền tảng mua sắm end – to – end (đầu cuối), được thiết kế để quản lý toàn bộ hành trình của món hàng từ khi được đặt trên máy tính cho đến lúc được bàn giao đến tận cửa nhà người mua. Để làm được việc đó, Kim đã phải tổ chức thêm mảng logistics mang phong cách UPS của riêng Coupang: Rocket Delivery, nhằm thỏa mãn khách hàng về mặt thời gian và khắc phục những hạn chế của hệ thống chuyển phát bưu điện Hàn Quốc – khá phân rã và thiếu hiệu quả. “Chúng tôi đã tham khảo mô hình của Amazon và vô cùng ghen tị vì hiệu suất của họ”, Kim nói.

Thương mại điện tử đang bùng nổ tại Hàn Quốc và được dự báo sẽ trở thành thị trường lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nhật Bản. Với đặc thù dân đông trên một lãnh thổ chật hẹp và số giờ làm việc của người dân cao hơn hầu hết các nước phát triển khác, Hàn Quốc được xem là mảnh đất màu mỡ của loại hình dịch vụ chuyển phát theo yêu cầu. Coupand đã tập trung khai thác đặc điểm này. Hiện tại, hơn 5000 Coupangmen (tài xế của Coupang) đang chuyển phát đến 99,3% số đơn hàng chỉ trong chưa đầy 24 giờ mỗi ngày. Tậm chí, dịch vụ Dawn Delivery (Chuyển phát lúc bình minh) sắp được ra mắt sẽ còn vượt qua cả Amazon Prime – giao hàng vào lúc 7 giờ sáng cho những đơn được đặt trước nửa đêm.

Xe tải vận chuyển tại một trong những trung tâm xử lý đơn hàng của Coupang tại Hàn Quốc. Ảnh: CNBC.

Đội xe ở một trong những trung tâm xử lý đơn hàng của Coupang tại Hàn Quốc. Ảnh: CNBC.

Kim luôn tin rằng chính những tiểu tiết mới là thứ làm nên sự khác biệt của doanh nghiệp trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trước việc Amazon không hoạt động tích cực tại Hàn Quốc, năm ngoái Coupang đã vượt qua hàng loạt tên tuổi như Gmarrket hay 11Street để trở thành nhà bán lẻ trực tuyến được khách hàng tin tưởng với thị phần lớn nhất.

“Đó là định mệnh khi chúng tôi đã tự mình xây dựng nên nền tảng trọn vẹn này từ con số không, và thành quả như hôm nay thực ra cũng có đôi chút may mắn”, Kim nói.

Mẫu mực mô hình Hàn Quốc

Những điều mà Kim làm được đã khiến các nhà đầu tư bị thuyết phục. Tháng 11/2018, Coupang được Softbank, Sequoia Capital và BlackRock rót tổng cộng 3,6 tỷ USD. Những thương vụ này đã giúp công ty được định giá tới 9 tỷ USD, trở thành start-up giá trị nhất Hàn Quốc; Kim thì kiếm được cả tỷ USD và trở thành thần tượng khởi nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc – theo Forbes.

Tuy nhiên, như Kim lưu ý, anh và các nhà đầu tư của Coupang mong muốn hướng đến “dài hạn”. Giờ đây, khi công ty đã vượt doanh số 10 tỷ USD, ban điều hành đang sử dụng tiền kiếm được cho mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh tại quốc nội, trước khi xâm nhập các thị trường nước ngoài. “Môi trường kinh doanh tại Hàn Quốc có lợi thế nhờ tỷ lệ đô thị hóa và mức độ tập trung dân cư cao, bên cạnh nền tảng hạ tầng IT được đầu tư bài bản, … Đó là những thứ mà các quốc gia khác, đặc biệt là tại châu Á, đang rất cố gắng để đạt được”, Kim nói.

Xem video về Kim và Coupang do CNBC thực hiện:


Nguồn: