Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã chứng kiến những thay đổi trong các năm qua, như được báo cáo tại Lễ khai mạc Techfest 2019. Cũng tại đây, các nhà đầu tư nói lên mong muốn có môi trường kinh doanh, đầu tư minh bạch, cởi mở hơn.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Techfest 2019, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm ba Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN. Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng Việt Nam có thể kỳ vọng sự xuất hiện của các “kỳ lân" (unicorn) trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng tại Lễ khai mạc Techfest 2019.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã chứng kiến “sự hình thành hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Chuyển giao công nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Các chính sách thí điểm cũng đang được các Bộ, ngành tích cực xây dựng, triển khai như sandbox trong lĩnh vực fintech,” Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Techfest năm nay diễn ra tại Quảng Ninh, một địa điểm sôi động so với các tỉnh thành khác của Việt Nam về khởi nghiệp cũng như có nhiều lợi thế tăng trưởng và chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cao nhiều năm liền. “Tỉnh đã chủ động ban hành các cơ chế chính sách riêng và dành tối thiểu 4% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương cho phát triển khoa học công nghệ nhất là hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh,” ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại khai mạc.

Để tiếp tục tận dụng các kết quả đã đạt được trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đó, tại phiên tọa đàm trong Lễ khai mạc, trước câu hỏi “Làm thế nào Việt Nam huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?”, hai nhà đầu tư/ chuyên gia khởi nghiệp nước ngoài lập tức nói đến kỳ vọng của họ với môi trường đầu tư minh bạch, cởi mở hơn ở Việt Nam.

Phiên tọa đàm tại khai mạc Techfest 2019.

“Sự phát triển [về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo] của Việt Nam là đáng kinh ngạc so với các nước châu Á khác. Nhưng tôi hy vọng rằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng hơn,” ông Axel Schultze, Sáng lập viên Quỹ Diễn đàn đổi mới thế giới, một tổ chức phi chính phủ phát triển đổi mới và khởi nghiệp có trụ sở tại Thụy Sĩ, nói. “Ví dụ, nếu như có thể có một bản hướng dẫn bằng tiếng Anh về cách đầu tư, các quy tắc và quy định đầu tư ở Việt Nam thì sẽ vô cùng hữu ích. Điều này sẽ cho chúng tôi sự tự tin để đầu tư vào Việt Nam, vì đã có khuôn khổ rất rõ ràng, rất minh bạch."

Cũng trả lời câu hỏi trên, ông Bill Reichert, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Garage Technology Ventures và là cộng sự tại Pegasus Tech Ventures nhắc đến hai yếu tố mà mọi nhà đầu tư tìm kiếm: giá trị và lợi thế cạnh tranh của startup. Tuy nhiên ông nhấn mạnh: hai yếu tố này chỉ là nguyên tắc đầu tư chung ở bất kỳ quốc gia nào, yếu tố thứ ba đặc thù hơn là môi trường kinh doanh minh bạch.

“Luật an ninh, luật hợp đồng, luật bồi thường, luật phá sản, luật lao động, luật thuế, v.v... có phù hợp với các quy định mà các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế đang sử dụng để đầu tư trên khắp hành tinh hay không?”, Reichert nói. “Tôi biết Việt Nam đã cố gắng cải thiện vấn đề này, nhưng tôi không biết là liệu Việt Nam có đang cho thế giới thấy rằng ‘chúng tôi đang kinh doanh theo cách tương tự [như môi trường quốc tế]’ hay không, dùng những cách thức tốt nhất như Delaware, Cayman, Estonia? Việt Nam có đứng chung hạng [với những nơi đó] về tính minh bạch của môi trường kinh doanh hay không?”

“Môi trường kinh doanh của Việt Nam dù liên tục cố gắng cải thiện nhưng hiện vẫn đứng khoảng thứ 70 trên thế giới,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. “Nếu cố gắng về cải cách hành chính, thay đổi những điều còn ràng buộc, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì chúng ta nhất định có thể khai thác mọi nguồn lực và đi nhanh hơn được.”

Từ ngày 4/12-6/12/2019 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 (Techfest Vietnam 2019) với nhiều hoạt động nổi bật như Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, Diễn đàn kết nối nguồn lược khởi nghiệp sáng tạo, Hội nghị liên minh các nhà đầu tư thiên thần châu Á cùng rất nhiều hội thảo chuyên sâu về khởi nghiệp trong các ngành, lĩnh vực.

Với chủ đề là "Nguồn lực hội tụ", Techfest 2019dự kiến sẽ là nơi kết nối và đẩy mạnh sự tương tác của ít nhất 250 doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng; gần 200 nhà đầu tư trong nước và quốc tế; 150 doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, diễn ra hơn 300 lượt kết nối đầu tư. Dự kiến Techfest 2019 sẽ thu hút hơn 6.000 lượt người tham dự.

Được tổ chức kể từ năm 2015, Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 844/QĐ-TTg.