UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cao su - nhựa TPHCM năm 2024.

Theo đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, công bố danh sách và tổ chức điều tra, khảo sát doanh nghiệp sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành cao su - nhựa trên địa bàn Thành phố. Duy trì, vận hành cổng cơ sở dữ liệu và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu sản phẩm và thị trường ngành cao su - nhựa của Thành phố.

Đồng thời, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành cao su - nhựa như: xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo kỹ thuật viên và nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ phát triển công nghệ cho ngành cao su - nhựa; tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho các cán bộ thuộc doanh nghiệp ngành cao su - nhựa đủ khả năng tiếp nhận công nghệ mới; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành cao su - nhựa về kỹ thuật, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, các chuẩn sản xuất 5S và Kaizen…

Mặt khác, TPHCM sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường như: tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin và quảng bá các sản phẩm ngành cao su - nhựa, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp của ngành tham gia khảo sát thị trường, các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức ít nhất một hội nghị kết nối các nhà cung ứng sản phẩm cao su - nhựa với doanh nghiệp FDI.

Cùng với đó, Thành phố sẽ triển khai dự án đầu tư, nâng cấp Phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm và nghiên cứu sản xuất thử sản phẩm ngành cao su, nhựa kỹ thuật thuộc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp với các trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm cao su - nhựa, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Sản xuất nhựa tái chế tại TPHCM.  Ảnh: Internet
Sản xuất nhựa tái chế tại TPHCM. Ảnh: Internet

Thành phố cũng tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đề án sản xuất hạt nhựa và sản phẩm nhựa tái chế. Trong đó, Thành phố đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân triển khai dự án nhà máy nhựa tái chế tại lô D2 - Cụm Công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ (tỉnh Long An). Dự án được triển khai theo ba giai đoạn với tổng mức đầu tư 26 triệu USD. Công ty đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 11,5 triệu USD, đi vào sản xuất hạt tái chế rPET, rHDPE. Hiện tại, giai đoạn 2 của dự án đang tiếp tục được triển khai.

Ngành cao su - nhựa là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố (cùng với cơ khí - tự động hóa, chế biến lương thực thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin). Đến năm 2022, ngành cao su - nhựa có giá trị gia tăng chiếm 7,78%, số lượng doanh nghiệp chiếm 7,25%, lao động chiếm 6,45%, tài sản cố định chiếm 5,30%, doanh thu chiếm 6,09% của toàn ngành công nghiệp của Thành phố. Ngành cao su - nhựa trên địa bàn TPHCM cũng có quy mô lớn nhất so với ngành cao su - nhựa của các địa phương trong cả nước, chiếm 80% sản lượng nhựa toàn quốc và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Theo Sở Công thương TPHCM, vẫn còn một số điểm yếu, điểm nghẽn trong ngành cao su - nhựa Thành phố như tỷ lệ nội địa hóa có xu hướng giảm, thiếu tự chủ về nguyên vật liệu, công nghệ và thiết bị. Đa số là gia công sản xuất, mức độ tự động hóa chưa cao, còn sử dụng nhân công nhiều, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, ngành đang có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh nguyên liệu cao su thiên nhiên, ít doanh nghiệp có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mức độ liên kết trong và ngoài ngành chưa cao,...

Được biết, ngoài ngành cao su - nhựa, năm 2024, TPHCM cũng có các Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm các ngành chế biến lương thực thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa,...