Từ các thông tin về đa dạng sinh học, các nhà khoa học thuộc Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã lượng hóa kinh tế tài nguyên các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, từ đó đề xuất các giải pháp cân bằng giữa khai thác và bảo tồn khu vực này.

TS. Nguyễn Mạnh Hà trong một chuyến khảo sát thực địa. Ảnh: VAST
TS. Nguyễn Mạnh Hà trong một chuyến khảo sát thực địa. Ảnh: VAST

Trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến khu vực cửa sông Văn Úc (Đồ Sơn - Hải Phòng), dải ven biển này là một trong những khu đất ngập nước lớn nhất của khu vực ven biển Đông Bắc Việt Nam. Vùng duyên hải này từ lâu đã được các nhà khoa học đánh giá là "đa dạng và phức tạp với sự đan xen của nhiều cửa sông, vũng vịnh tạo nên một không gian rất khác biệt với phần còn lại trên toàn bộ tuyến ven biển Việt Nam"1.

Không gian này còn là môi trường phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngư nghiệp, nông nghiệp rất quan trọng của cả Hải Phòng và Quảng Ninh. Song các tác động thường xuyên từ con người như đào ao nuôi thủy hải sản, chặt phá rừng, xây dựng hạ tầng công trình, khu công nghiệp… đi kèm với các như những hệ lụy từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng có thể dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường và cạn kiệt các dạng tài nguyên.

Trong bài báo “Economic valuation of wetland ecosystem services in northeastern part of Vietnam”2vào năm 2022, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), ĐH Công nghệ Sydney đã nhận định mặc dù có nhiều giá trị đóng góp gián tiếp nhưng giá trị sinh thái của vùng đất ngập nước ở Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn chưa được đánh giá hết và cần có một chính sách quản lý và khai thác hợp lý.

Vậy làm thế nào để vừa bảo tồn vừa khai thác hợp lý các nguồn lợi thủy sản ở từng sinh cảnh nói riêng và toàn khu vực ven biển Đông Bắc nói chung? Câu hỏi này đã thôi thúc TS. Nguyễn Mạnh Hà và các đồng nghiệp thuộc Viện Địa lý tiến hành dự án “Đánh giá đa dạng sinh học và lượng giá kinh tế tài nguyên các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc Việt Nam phục vụ phát triển bền vững”.

Theo thông tin đượcTrung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)3 đăng tải, nhóm nghiên cứu đã quyết định áp dụng phương pháp “lượng giá kinh tế” như một cách thức hiệu quả giúp giải bài toán phối hợp hài hòa giữa bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nhằm phát triển bền vững tài nguyên. Việc lượng giá kinh tế tài nguyên là một giải pháp nhằm “tiền tệ hóa” các giá trị của tài nguyên làm cơ sở quan trọng cho các nhà hoạt động chính sách, các cấp chính quyền, các nhà quản lý lựa chọn giải pháp tối ưu sử dụng bền vững tài nguyên trong mối quan hệ giữa bảo vệ, khai thác và sử dụng.

Để làm được điều này, các nhà khoa học trước tiên cần đánh giá được mức độ đa dạng của các hệ sinh thái, các thảm thực vật và các loài phân bố ở từng sinh cảnh. Theo đó, họ đã đánh giá hiện trạng của các hệ sinh thái ngập nước, gồm rừng ngập mặn (rừng tự nhiên, rừng được cải tạo, rừng trồng phòng hộ), vùng cửa sông và trảng cỏ bán ngập nước.

Rừng ngập mặn huyện Tiên Lãng - Hải Phòng.
Rừng ngập mặn huyện Tiên Lãng - Hải Phòng.

Khảo sát hệ sinh thái

Dù rừng ngập mặn tự nhiên phân bố trải dài dọc theo vùng ven biển Đông Bắc, tuy nhiên, hình thái, cấu trúc, nguồn gốc thì mỗi nơi một khác. “Khu vực Quảng Ninh, hầu hết các cửa sông hình phễu nên diện tích bồi lắng lấn biến ít, dẫn đến rừng ngập mặn phân bố không liên tục, mức độ ngập mặn lớn hơn so với khu vực Hải Phòng nơi cửa sông châu thổ mang lượng lớn phù sa bồi lắng lên diện tích ven biển lớn hơn”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo “Nghiên cứu đa dạng sinh học các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển Đông Bắc Việt Nam3.

Phía trong đê, rừng ngập mặn có nguồn gốc tự nhiên đã được người dân cải tạo, đắp bờ, nạo kênh tạo vùng khoanh nuôi trồng thủy hải sản và có thể trồng bổ sung cây rừng ngập mặn. Những quần xã Đâng + Trang thường được khai thác, cải tạo thành khu vực nuôi quảng canh (tôm, cua, cá). “Ở đó, khoảng 20 - 40% diện tích cây rừng ngập mặn được giữ lại trong khi các diện tích khác được đào sâu hơn làm nơi tích trữ nước và thuận tiên cho việc chăm nuôi của trang trại”, nhóm nghiên cứu mô tả.

Rừng ngập mặn trồng tập trung ở khu vực phía Hải Phòng, từ cửa Bạch Đằng đến Văn Úc, là rừng phòng hộ chắn sóng ven biển. Rừng trồng thành dải dài, bề rộng lên đến hơn 600 m. Ngoài ra, ở Quảng Ninh cũng có một số khu vực trồng rừng ngập mặn bổ sung cho diện tích rừng ngập mặn trước đó đã bị khai phá làm ao đầm nuôi trồng thủy hải sản, tuy nhiên, rừng ngập mặn trồng ở Quảng Ninh khá thưa và bị chia cắt nhiều.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khảo sát hệ sinh thái vùng cửa sông. Do điều kiện địa hình các bãi lầy cửa sông nhỏ hẹp chạy theo bờ sông nên thảm thực vật ở đây cũng là các nhóm cây mọc rải rác chạy dài theo bờ sông.

Trảng cỏ ngập mặn hoặc bán ngập mặn, ngập lợ ở khu vực ven biển Đông Bắc bao gồm cả một số ít diện tích là đồng cói chủ yếu có nguồn gốc tự nhiên hoặc bán tự nhiên. Ở đó, nước mặn xâm nhập do thủy triều lên một số vùng đất trũng nội đồng hoặc đôi khi vùng đất nhiễm mặn bị cô lập do các hoạt động xây dựng, canh tác, thủy lợi của con người, được nước mưa pha trộn nên độ mặn giảm xuống tương tự như nước lợ.

Bên cạnh đó, phân bố của cỏ biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh đã từng được ghi nhận tại Đầm Buôn, Hà Cối, Đầm Hà, bãi Quan Lạn và bãi Nhà Mạc. Tuy nhiên theo các kết quả nghiên cứu mới nhất hiện nay cỏ biển chỉ còn phân bố nhiều nhất là tại bãi Nhà Mạc (khoảng 100 ha), một số diện tích nhỏ ven các đảo Cô Tô và Quan Lạn, rải rác ở mức nước 0,7–6 m, thường không có cây ngập mặn.

Nhìn chung, trong công bố, nhóm nghiên cứu nhận định rằng "hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên chủ yếu tìm thấy ở khu vực Quảng Ninh và trạng thái rừng trồng là đặc trưng bên phía Hải Phòng. Hệ sinh thái khu vực cửa sông thì đóng vai trò quan trọng với các quần xã thực vật ven bờ và sinh cảnh vẫn chịu sự chi phối của thủy triều. Thảm cỏ biển tuy là hệ sinh thái thủy sinh hoàn toàn nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của thủy triều và phân bố gần như xen kẽ với hệ sinh thái rừng ngập mặn nên có mức độ đa dạng đáng kể và có vai trò hết sức quan trọng trong bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học của khu vực, đặc biệt thảm cỏ biển là bãi để của nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Hệ sinh thái trảng cỏ ngập nước có mức độ đa dạng sinh học thấp hơn do mức độ ảnh hưởng của thủy triều không nhiều và cơ bản đã bị cô lập bởi các hoạt động nhân tác."

Từ các thông tin trên, các nhà khoa học đã tiếp tục phân vùng, xác định mức độ đa dạng sinh học tại các vùng sinh thái đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc. Trên toàn bộ khu vực này, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 1855 loài sinh vật, trong đó, sinh vật đơn bào có 60 loài, thực vật có 684 loài và động vật có 1094 loài thuộc 14 ngành, 35 lớp, 148 bộ, 531 họ của năm giới sinh vật. Các loài sinh vật quý hiếm, đang bị đe dọa và cần bảo tồn ở hệ sinh thái vùng Đông Bắc đã được sơ bộ xác định gồm bốn loài ghi nhận theo Sách đỏ Việt Nam (2007) và 378 loài theo IUCN (2020).

Từ đây, nhóm nghiên cứu đã lượng giá kinh tế tài nguyên các giá trị sử dụng trực tiếp, gián tiếp và giá trị chưa sử dụng cho các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc. Cả hai nhóm giá trị trong tổng giá trị kinh tế của đất ngập nước là giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng. Đáng chú ý, các hệ sinh thái của huyện Vân Đồn có giá trị lớn nhất vùng nhưng giá trị trên 1 ha diện tích lại chỉ đứng thứ năm - sau Quảng Yên, Vịnh Cửa Lục, Cẩm Phả và cửa sông Văn Úc. Trong khi thị xã Quảng Yên chỉ đứng thứ bốn về tổng giá trị dịch vụ hệ sinh thái nhưng giá trị trên 1 ha diện tích lại cao. Đó là do diện tích các hệ sinh thái ở huyện Vân Đồn rất lớn - chủ yếu là mặt nước nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tính toán trường hợp của vùng đất ngập nước cửa sông khu Đồng Rui, Tiên Yên, Quảng Ninh như một hình mẫu. Theo đó, giá trị kinh tế toàn phần của các hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Rui là khoảng 83,9 tỷ đồng một năm.

“Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng giúp các nhà quản lý lựa chọn các chính sách, cơ chế quản lý cảnh quan đất ngập nước nhằm phục vụ phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ trên trang chủ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Để bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực này, các nhà khoa học khuyến nghị cần có các đầu tư trực tiếp vào khu bảo tồn và các dự án xử lý rác thải, nước thải vùng đệm trong, xác lập các mô hình hệ kinh tế sinh thái trong cộng đồng dân cư.

Chú thích: