Các dự án tập trung vào hai chủ đề chính là Di sản chung và Khí hậu - Môi trường.

Dự án
Một buổi học trong khuôn khổ dự án "Học tập qua dự án về khí hậu". Các giáo viên tiếng Anh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội sẽ được mời tham gia chương trình bồi dưỡng khuyến khích lồng ghép nội dung khí hậu vào lớp học. Ảnh: British Council

Sau gần một năm kể từ khi triển khai, Hội đồng Anh - tổ chức quốc tế về cơ hội giáo dục và quan hệ văn hóa của Vương quốc Anh - mới đây đã tiến hành tổng kết chương trình UK/Viet Nam Season 2023.

Là dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh-Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam, chương trình bao gồm chuỗi các sự kiện diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12/2023 nhằm tôn vinh và giới thiệu những hoạt động trao đổi văn hóa, giáo dục và quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.

Chương trình UK/Viet Nam Season 2023 hướng tới mục tiêu nâng cao quan hệ hợp tác văn hóa song phương thông qua việc mang đến những cơ hội mới cho các cá nhân và tổ chức từ Vương quốc Anh và Việt Nam, đồng thời tăng cường kết nối giữa người dân hai nước.

Tổng cộng chương trình đã trao gần 30 tỷ đồng (946.000 bảng Anh) để hỗ trợ 30 dự án hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trên ba lĩnh vực là Nghệ thuật, Giáo dục và Tiếng Anh.

Tập trung vào hai chủ đề – Di sản chung, và Khí hậu và Môi trường – các đối tác, khán giả và người tham gia Chương trình UK/Viet Nam Season đã có cơ hội lắng nghe các quan điểm khác nhau về tiềm năng và thách thức trong nhiều lĩnh vực như sân khấu, phim, nghệ thuật thị giác, múa, thiết kế, âm nhạc, văn học, giáo dục đại học, đào tạo và các nghiên cứu và thực hành ngôn ngữ tiếng Anh.

Dữ liệu từ báo cáo đánh giá độc lập, do The Audience Agency thực hiện, cho thấy 97% các dự án nhận hỗ trợ cho biết chương trình Season đã tạo điều kiện để họ phát triển mạng lưới chuyên môn. 100% dự án cho biết họ hoặc tổ chức của họ đã tạo dựng được những mối quan hệ mới với các cá nhân hoặc tổ chức khác. 100% dự án khẳng định họ đã có cơ hội tham gia vào một mạng lưới liên văn hóa và quốc tế sâu rộng hơn. 90% dự án bày tỏ họ cảm thấy tự tin hơn trong việc hình thành các kết nối và xây dựng phát triển chuyên môn với những đối tác đến từ các nền văn hóa khác với nền văn hóa của họ.

Phần lớn những người phụ trách dự án đã được tìm hiểu những cơ hội làm việc mới tại Vương quốc Anh và Việt Nam, hiểu biết thêm về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật/giáo dục đại học cũng như tìm hiểu thêm về các cơ hội nghiên cứu học thuật ở cả hai quốc gia.

Trong suốt chương trình UK/Viet Nam Season, tổng cộng đã có 313 hoạt động và sự kiện được thực hiện thông qua 30 dự án từ tháng 6 đến tháng 12/2023. Ước tính có khoảng 242.700 lượt tham gia các sự kiện, trong đó có gần 240 nghìn lượt tham gia trực tiếp và gần 6.000 lượt tham gia trực tuyến.

Lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng tại chương trình Lễ hội Âm nhạc Gió mùa 2023, Cánh đồng Di sản là dự án đa ngành kết hợp giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác thông qua tìm hiểu và có cái nhìn sâu sắc hơn về các nhóm dân tộc di cư ở khu vực miền núi Tây Bắc để khám phá cảnh quan âm thanh độc đáo của nơi đây.
Được ra mắt tại chương trình Lễ hội Âm nhạc Gió mùa 2023, Cánh đồng Di sản là dự án đa ngành kết hợp giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác thông qua tìm hiểu về các nhóm dân tộc di cư ở khu vực miền núi Tây Bắc . Ảnh: British Council

Một số hoạt động, dự án tiêu biểu thuộc khuôn khổ chương trình này có thể kể đến:

Tọa đàm Thành phố Sáng tạo Hà Nội với chủ đề “Xây dựng thương hiệu để Hà Nội là thành phố sáng tạo và không gian phát triển nguồn lực” do Hội đồng Anh và Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đồng tổ chức. Buổi tọa đàm đi sâu vào quá trình phát triển của Hà Nội với tư cách là thành phố thiết kế sáng tạo, phân tích các mô hình đô thị hỗ trợ phát triển bản sắc văn hóa và di sản quốc gia. Chuyên gia đến từ các thành phố Belfast, Derry/Londonderry và Dundee đã chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết của họ về quá trình làm việc trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Hội thảo "Di sản Văn hóa Sống và Phát triển Bền vững" hướng đến tìm hiểu mối liên hệ giữa di sản và sự phát triển bền vững tại Việt Nam, tập trung vào sự tham gia của cộng đồng, tạo điều kiện đối thoại giữa những người làm chính sách, chuyên gia và những người thực hành di sản văn hóa.

Dự án "Cities in Sync" tôn vinh cộng đồng âm nhạc điện tử đang phát triển ở Hà Nội và Sheffield, đi sâu tập trung vào di sản chung của hai cộng đồng ở hai quốc gia thông qua sự kết hợp giữa các hoạt động trực tuyến và hội thảo được tổ chức tại mỗi quốc gia.

Dự án "Cộng đồng khám phá thực hành" đã được triển khai với sự tham gia của các giáo viên tiếng Anh tại tỉnh Lạng Sơn. Thông qua dự án, các giáo viên tiếng Anh đã được ứng dụng phương pháp dạy học mới thích ứng văn hóa để tạo động lực cho học sinh từ các nhóm dân tộc thiểu số. Dự án phát triển các tài nguyên giảng dạy, chú trọng việc khai thác văn hóa bản địa của học sinh trong giờ học tiếng Anh, từ đó giúp phát triển các kỹ năng tiếng Anh mà vẫn giữ được mối liên hệ với văn hóa và ngôn ngữ bản địa.