Hai thế kỷ Tỏa quốc, thực thi chính sách cô lập với thế giới bên ngoài, luôn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới học giả nghiên cứu lịch sử Nhật Bản.

Phải chăng đó là hai thế kỷ của sự trì trệ, bảo thủ; hay là hai thế kỷ thái bình, thịnh vượng, ổn định mà nhà Tokugawa đã thành công thiết lập sau hơn một trăm năm Nhật Bản chìm trong cuộc nội chiến?

Trong lịch sử Nhật Bản thời Cận thế, một sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Nhật Bản với thế giới bên ngoài là việc Shogun Tokugawa Iemitsu (1604-1651) ban hành sắc lệnh Sakoku (Tỏa quốc) năm 1638. Sự kiện này mở đầu cho hơn hai trăm năm Nhật Bản thực thi chính sách cô lập với thế giới bên ngoài - ngoại trừ tiếp tục duy trì liên hệ hạn chế với một số đối tác Đông Á như Trung Hoa, Triều Tiên, Lưu Cầu và Hà Lan - cho đến khi người Mỹ dùng ngoại giao pháo hạm trên các Tàu Đen (Black Ship) để buộc chính quyền Bakufu (Mạc phủ) mở cửa đất nước vào năm 1853.

Hai thế kỷ Tỏa quốc luôn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới học giả nghiên cứu lịch sử quốc đảo. Phải chăng đó là hai thế kỷ của sự trì trệ, bảo thủ; hay là hai thế kỷ thái bình, thịnh vượng, ổn định mà nhà Tokugawa đã thành công thiết lập sau hơn một trăm năm Nhật Bản chìm trong cuộc nội chiến (Sengoku Jidai, 1457-1615)?

Ở Việt Nam, chính sách Sakoku cũng được nhiều học giả quan tâm và nghiên cứu như một cách diễn giải phương thức một quốc gia phương Đông hành động trước những áp lực ngày càng tăng từ thế giới phương Tây. Điển hình cho các nghiên cứu chuyên sâu đó, không thể không nhắc đến công trình “Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa: Nguyên nhân và hệ quả” của GS.TS. Nguyễn Văn Kim, một chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu lịch sử Nhật Bản ở Việt Nam.

Được xuất bản lần đầu vào năm 2000, Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa là kết quả từ những năm GS.TS Nguyễn Văn Kim làm nghiên cứu sinh. Trong bối cảnh phần lớn các nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản tại Việt Nam thời điểm đó thường tập trung vào giai đoạn Minh Trị Duy Tân hay sự bứt phá thần tốc của nước Nhật thời hậu chiến, thì công trình của GS.TS Nguyễn Văn Kim không chỉ tập trung vào một chủ đề ít được quan tâm trước đây, mà còn góp phần khơi gợi nhiều quan điểm và nhận định mới. Mới đây, nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (1972-2023), cuốn sách một lần nữa được tái bản, có bổ sung và chỉnh sửa.

Cuốn sách của GS.TS Nguyễn Văn Kim được chia làm năm chương, trong đó, GS.TS Nguyễn Văn Kim dành Chương 1 để diễn giải vì sao vấn đề chính sách đóng cửa của chính quyền Tokugawa lại có tầm quan trọng đặc biệt trong nghiên cứu lịch sử Nhật Bản. Chúng tôi cũng đặc biệt đề cao Chương 1 bởi lẽ tác giả đã cẩn thận phân tích, luận giải tình hình nghiên cứu vấn đề Sakoku. Điều này không chỉ cho thấy tính cầu thị, nghiêm cẩn trong nghiên cứu của ông mà còn là cơ hội cho các độc giả tìm hiểu và biết thêm nhiều nghiên cứu khác về cùng chủ đề.

Chương 2 của cuốn sách cho thấy khả năng tổng hợp và phân tích của tác giả, khi ông phác họa toàn cảnh diễn trình lịch sử Nhật Bản trước thế kỷ XVII thông qua năm nội dung chính, bao gồm: sự hình thành và phát triển của nền văn minh Nhật Bản; những tiếp xúc văn minh giữa Trung Hoa và Nhật Bản - cũng như cả những lựa chọn tiếp thu của người Nhật trước trung tâm văn minh Đông Á; cuộc cải cách Taika và chế độ trang viên; tầng lớp Samurai và sự thiết lập chế độ Mạc phủ; và cuối cùng, thể chế song trùng lãnh đạo với hai chính quyền song song tồn tại - Tenno [Thiên Hoàng] và Shogun [Tướng quân]. Phải nhấn mạnh rằng tác giả không chỉ quan tâm đến lịch sử chính trị đơn thuần, mà ông còn điểm xuyết trong đó cả lịch sử kinh tế-xã hội - chủ đề vốn thường ít được quan tâm trong các nghiên cứu lịch sử tại thời điểm GS.TS Nguyễn Văn Kim xuất bản công trình này.

Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Văn Kim đặc biệt quan tâm diễn giải về thể chế hai chính quyền song song tồn tại trong lịch sử Nhật Bản, việc phân chia trách nhiệm và quyền lực giữa hai triều đình Thiên hoàng và Mạc phủ. Mẫu hình Tenno-Shogun không phải là duy nhất có trong lịch sử Nhật Bản; chúng ta có thể tìm thấy sự song trùng lãnh đạo tương tự trong lịch sử Hy Lạp Cổ đại, Hồi giáo lẫn Việt Nam. Nhưng mô hình Tenno-Shogun dường như đã tồn tại một cách vững bền nhất. GS.TS Nguyễn Văn Kim cũng chỉ ra rằng sự phân lập hai triều đình Kyoto và Mạc phủ (đóng tại Kamakura, Muromachi hay sau này ở Edo) như sự phân hóa giữa hai chính quyền dân sự và quân sự trong hệ thống chính trị Nhật Bản, mà theo thời gian, thế lực quân sự càng trở nên chiếm ưu thế và khuynh loát chính quyền dân sự.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2000 và mới được tái bản có bổ sung và chỉnh sửa, nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nguồn: INT
Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2000 và mới được tái bản có bổ sung và chỉnh sửa, nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nguồn: INT

Như tiêu đề, cuốn sách dồn trọng tâm vào việc tìm hiểu, trình bày nguyên nhân và hệ quả của Sakoku thay vì trình bày về nội dung chính sách này.

Nhiều quan điểm cho rằng Sakoku được triển khai bởi mối lo ngại của Mạc phủ Tokugawa trước nguy cơ của Kitô giáo đối với chính quyền quân sự, mà đỉnh điểm là sự biến Shimabara (1637-1638) - khi các ronin (samurai vô chủ) theo Kitô giáo tổ chức một cuộc nổi loạn quy mô lớn làm rung chuyển hệ thống các han (phiên) vùng Kyushu1. Nhưng GS Nguyễn Văn Kim cho rằng, mối lo ngại về Kitô giáo chỉ là một trong nhiều nguyên nhân buộc Shogun Iemitsu hành động. Thay vào đó, các toan tính chính trị-kinh tế và những biến động xã hội Nhật Bản sau một thời gian dài tiếp xúc với người phương Tây mới là nguyên nhân chính thúc đẩy chính quyền Edo ban hành Sakoku.

Tác giả chỉ ra một thực tế là, ngay cả khi thực thi chính sách Tỏa quốc, Nhật Bản không đóng cửa hoàn toàn với thế giới. Mạc phủ tiếp tục duy trì hoạt động thương mại với Trung Hoa thông qua cảng Nagasaki - nơi cũng có một thương điếm bị cô lập của người Hà Lan tại hòn đảo Dejima; thương mại với Triều Tiên được duy trì ở Tsushima và Hán Thành vẫn cử thông tín sứ đến Edo; thương mại với Lưu Cầu (và gián tiếp là Trung Hoa) được xử lý bởi phiên Satsuma. Nếu như thời kỳ Châu ấn thuyền (Shuinsen) đánh dấu sự bành trướng mạnh mẽ của nền ngoại thương Nhật Bản, thì Sakoku đánh dấu sự kiểm soát chặt chẽ đến đỉnh điểm của chính quyền Mạc phủ.

Qua cuốn sách, người đọc nhận thấy một thực tế, vào thế kỷ XVII, phương Tây chưa đủ khả năng đe dọa sự tồn vong của những thực thể chính trị lớn ở châu Á như Nhật Bản. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng và lợi ích to lớn mà thương mại đem đến, Mạc phủ ngầm thừa nhận bất cứ phiên chư hầu nào duy trì thương mại với phương Tây đều có được sức mạnh có khả năng đe dọa Mạc phủ. Công nghệ quân sự mà phương Tây mang đến thông qua trao đổi thương mại đã cho thấy điều đó. Trước khi nhà Tokugawa lên nắm quyền, Tokugawa Ieyasu đã chứng kiến uy lực vũ khí phương Tây tại trận Nagashino (1575). Tại chiến trường này, đồng minh và bề trên của ông, Oda Nobunaga, đã dùng đội súng hỏa mai đập tan kỵ binh nhà Takeda - kết thúc sức mạnh của một gia tộc từng hùng cứ một phần Kanto trong nhiều thế kỷ. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà Tokugawa ra lệnh đóng cửa đất nước, nhằm cô lập các đối thủ của họ hơn là lo ngại một cuộc xâm lược thực tế của phương Tây.

Chính quyền Mạc phủ Edo đã duy trì một cách nghiêm cẩn và nhất quán Sakoku trong hơn hai thế kỷ, cho đến khi ngoại giao pháo hạm của đô đốc Perry ở Yokohama buộc Shogun phải nhượng bộ và thay đổi. Nếu theo cách nghĩ thông thường, đóng cửa là trì trệ và kém phát triển, thì liệu trong trường hợp Nhật Bản, điều đó có đúng không?

Mặc dù tồn tại một giai đoạn của cái gọi là Mạc mạt (Bakumatsu, 1853-1867), nhưng tác giả đã chỉ ra rằng hai thế kỷ “đóng cửa” đó lại là hai thế kỷ thái bình, ổn định và phát triển. Hay nói cách khác, đó là hai thế kỷ tích góp nguồn lực cho phép Nhật Bản tiến hành thành công Minh Trị Duy Tân - cuộc cải cách mang tầm vóc của một cuộc cách mạng. Cần nhớ rằng, Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở châu Á (nếu tính đế chế Ottoman thuộc về châu Âu) đã thành công thoát khỏi nguy cơ trở thành một quốc gia thuộc địa, và thậm chí còn phát triển thành một đế quốc ngang hàng với các thế lực phương Tây.

Cuốn sách cũng đặc biệt nhấn mạnh một hệ quả của Sakoku chính là chính sách sankin-kotai (tham cần giao đại hay luân phiên trình diện) khi Shogun Tokugawa lệnh cho các daimyo (đại danh hay lãnh chúa thần phục Shogun) phải định kỳ về Edo trình diện mỗi năm, để lại gia đình làm con tin ở Mạc phủ, để khẳng định lòng trung thành. Việc duy trì đều đặn chính sách luân phiên trình diện đã thúc đẩy nội thương Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, song song với việc phát triển hệ thống giao thông, thông tin liên lạc khắp cả nước - đặc biệt là hệ thống đường chạy dọc bờ biển miền Đông Tokaido (Đông hải đạo) từ Kyoto đến thành Edo. Sankin-kotai kết hợp với Sakoku đã đẩy quyền lực của Shogun lên đến cực thịnh mà không một daimyo đối thủ nào có thể thách thức. Những phí tổn to lớn bởi việc thường xuyên di chuyển về Edo trình diện, việc phải duy trì hai dinh cơ tại cả lãnh địa của mình lẫn Edo, sự phô diễn thể diện của daimyo, cũng như bảo đảm các nghĩa vụ phong kiến tốn kém đã bào mòn quyền lực chính trị và sức mạnh kinh tế của mọi daimyo. Trong điều kiện đó, các phiên chỉ dựa vào nông nghiệp sẽ không có khả năng tài chính, như một số ít được phép duy trì thương mại với bên ngoài. Đó chính là số phận trái ngược nhau giữa các phiên miền Trung như Kaga với các phiên miền Tây như Choshu, Higo hay Satsuma.

Sankin-kotai kết hợp với Sakoku đã bóp nghẹt sinh lực phiên Kaga của nhà Maeda, vốn là gia tộc đầu tiên tham gia sankin-kotai sau trận Sekigahara (1600)2. Vào thời kỳ đỉnh cao, Kaga thu nhập hơn một triệu koku thóc mỗi năm, trong tổng số 25 triệu koku của cả nước. Nhưng cuối cùng, phiên này đã tan rã bởi các gánh nặng như vậy. Trái lại, phiên Choshu vốn là lãnh địa bị thu hẹp của nhà Mori sau trận Sekigahara, từ hơn 1,2 triệu koku xuống còn hơn ba trăm ngàn koku đã tồn tại và thậm chí còn tham gia vào lực lượng lật đổ thành công Mạc phủ Tokugawa năm 1867 - tất cả nhờ vào việc phiên này có khả năng đánh thuế thương mại các tàu buôn eo biển Shimonoseki.

Một đóng góp mới của cuốn sách trong lần tái bản mới đây là tác giả đã bổ sung chương “Xã hội thành thị và văn hóa thị dân” trong thời kỳ Edo. Đây là một nội dung cần được quan tâm nghiên cứu, bởi lẽ, các thành thị và văn hóa thị dân đã phát triển mạnh mẽ trong hai trăm năm thái bình - và thậm chí còn ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp samurai và quý tộc.

Có thể nói, công trình Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa của GS. TS. Nguyễn Văn Kim là một chuyên khảo hấp dẫn, có giá trị khoa học cao, không chỉ dành cho giới học giả nghiên cứu, mà còn đối với bất cứ độc giả nào mong muốn tìm hiểu về một giai đoạn đầy những chuyển biến quan trọng trong lịch sử đất nước Phù Tang.




Chú thích:

1 Han (phiên) là đơn vị hành chính thực tế của Nhật Bản kể từ sau khi Mạc phủ Muromachi suy yếu, dẫn đến việc các thủ lĩnh quân sự địa phương biến địa vực của mình thành các lãnh địa bán độc lập với chính quyền trung ương. Các lãnh địa này được kiểm đếm và sắp xếp trên cơ sở thu nhập thóc hằng năm (koku - lượng thóc gạo mà bình quân một người bình sử dụng).

2 Trận Sekigahara năm 1600 nổ ra giữa những người ủng hộ Tokugawa Ieyasu (Đông quân) và những người trung thành với gia đình Toyotomi (Tây quân) do Ishida Mitsunari lãnh đạo. Tại trận này, Tokugawa Ieyasu đã đập tan sự kháng cự của Tây quân và chính thức trở thành thủ lĩnh thực tế của Nhật Bản, thiết lập chế độ Mạc phủ Tokugawa.