Hoạt động khai thác tài nguyên ngoài Trái đất, đặc biệt là Mặt trăng và tiểu hành tinh, thu hút sự quan tâm ngày càng tăng từ các quốc gia, công ty và cá nhân. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý chưa được quy định rõ ràng để đảm bảo tính an toàn, bền vững và công bằng.

Mô phỏng một căn cứ trên Mặt trăng trong tương lai. Ảnh: ESA
Mô phỏng một căn cứ trên Mặt trăng trong tương lai. Ảnh: ESA

Vào ngày 13/10/2023, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công tàu vũ trụ Psyche để khám phá tiểu hành tinh kim loại 16 Psyche từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ). Tàu vũ trụ của NASA dự kiến sẽ di chuyển quãng đường 3,5 tỷ km để tới tiểu hành tinh 16 Psyche vào tháng 7/2029. Các nhà khoa học tin rằng 16 Psyche cấu tạo chủ yếu từ đá và kim loại, trong đó kim loại chiếm từ 30% đến 60% khối lượng tiểu hành tinh. Thành phần kim loại có thể bao gồm niken và sắt.

“Lượng kim loại trên tiểu hành tinh này trị giá 10 tỷ tỷ USD, gấp khoảng 130.000 lần giá trị nền kinh tế toàn cầu”, Lindy Elkins-Tanton, nhà khoa học phụ trách dự án khám phá 16 Psyche, nhận định.

Việc khai thác Mặt trăng và các tiểu hành tinh có thể mang lại giá trị kinh tế khổng lồ. Câu hỏi đặt ra là các hoạt động khai thác trong không gian có hợp pháp hay không? Đối với tiểu hành tinh, câu trả lời có lẽ là “có”. Nhưng đối với Mặt trăng, vấn đề này khá phức tạp để đưa ra câu trả lời một cách thỏa đáng.

Trước đây, cắm cờ được coi là một hình thức khẳng định chủ quyền của một quốc gia. Nhưng đến thế kỷ 20, điều này đã thay đổi khi vũ trụ bao la trở thành biên giới mới. Mỹ là quốc gia đầu tiên cắm cờ trên Mặt trăng vào năm 1969 trong sứ mệnh Apollo 11. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai cắm cờ trên Mặt trăng vào năm 2019. Nhưng nếu bạn hỏi bất kỳ quan chức nào từ hai quốc gia này, họ sẽ nói với bạn rằng những lá cờ trên Mặt trăng không đại diện cho tuyên bố về quyền sở hữu lãnh thổ của họ.

Nguyên nhân là do vào năm 1967, tổng cộng 110 quốc gia bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc đã ký Hiệp ước Không gianVũ trụ (OST) với quy định không có quốc gia nào được phép tuyên bố quyền sở hữu Mặt trăng. Hiệp ước cũng nghiêm cấm thực hiện các hoạt động quân sự ngoài không gian, bao gồm việc lưu trữ, thử nghiệm hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Nhưng hiệp ước này không nghiêm cấm một cách rõ ràng các công ty hoặc cá nhân khai thác và sở hữu các nguồn tài nguyên khác từ vũ trụ”, Michelle Hanlon, giáo sư luật tại Đại học Mississippi (Mỹ), nhận định.

Ngoài ra, khi đề cập đến việc xây dựng các khu căn cứ và nơi trú ẩn trên Mặt trăng, mọi thứ dường như trở nên phức tạp hơn. Chúng giống như một dạng lãnh thổ nếu xét theo nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, điều 12 của Hiệp ước Không gianVũ trụ (OST) quy định rằng bất kỳ công trình xây dựng nào trên một thiên thể khác ngoài Trái đất đều có thể được sử dụng bởi tất cả các bên. Nói cách khác, nó sẽ hoạt động như một không gian công cộng.

Hiệp ước Không gian Vũ trụ (OST) là văn bản pháp lý đầu tiên trên thế giới liên quan trực tiếp đến hoạt động khám phá không gian. Tính đến nay, đây là văn bản pháp lý có tầm ảnh hưởng rộng rãi nhất đến các quốc gia, mặc dù nó rất khó để thực thi. “Hiệp ước Không gian Vũ trụ không phải là một bộ quy tắc ứng xử. Nó chỉ là những hướng dẫn và nguyên tắc”, Hanlon nói.

Kể từ khi Hiệp ước Không gian Vũ trụ (OST) được ký kết, một số chính phủ đã tự mình giải quyết vấn đề khai thác tài nguyên ngoài không gian theo cách của riêng họ. Năm 2015, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật SPACE, cho phép công dân Mỹ có quyền khai thác tài nguyên vũ trụ. Đạo luật này nêu rõ: “Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào khai thác thương mại tài nguyên tiểu hành tinh hoặc tài nguyên vũ trụ sẽ được quyền sở hữu tài nguyên tiểu hành tinh hoặc tài nguyên vũ trụ đã khai thác được”.

“Sự kiện Mỹ thông qua Đạo luật SPACE đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội, và nhiều quốc gia cáo buộc Mỹ hành động đơn phương”, Hanlon cho biết. “Và trong mọi trường hợp, luật pháp Mỹ không thể được thi hành ở những khu vực nằm ngoài quyền tài phán của quốc gia này”.

Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn cản các quốc gia khác nhảy vào cuộc. Năm 2017, Chính phủ Luxembourg đã thông qua dự luật, trao cho các công ty quyền khai thác và giữ lại tài nguyên từ các thiên thể. Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng có hành động tương tự.

Thay vì để mỗi quốc gia tự hành động theo cách riêng, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất một tập hợp các nguyên tắc thăm dò không gian quốc tế vào năm 2020 gọi là “Hiệp định Artemis” – một sáng kiến đa phương nhằm đưa con người quay trở lại Mặt trăng vào năm 2026 và hiệp định này ban đầu có Mỹ và bảy quốc gia khác tham gia ký kết.

Một trong số các điều khoản của hiệp định là việc công nhận một số khu vực trên Mặt trăng, chẳng hạn như địa điểm hạ cánh của tàu thăm dò Luna (Nga) và dấu chân của phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong là di sản vũ trụ cần được bảo vệ.

Hiệp định Artemis đã mở rộng và phát triển thêm các nguyên tắc có trong Hiệp ước Không gian Vũ trụ (OST). Cụ thể, các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Artemis đồng ý cấp quyền khai thác tài nguyên vũ trụ trong “vùng an toàn” của họ trên Mặt trăng, nhằm tránh gây ra sự xung đột giữa các quốc gia với nhau.

Mặc dù Hiệp định Artemis cho phép các thực thể khai thác và sử dụng tài nguyên ngoài Trái đất, nhưng không phải quốc gia nào cũng hào hứng với quy định này.

Nga đã lên tiếng phản đối Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu, khi họ cho rằng nó mang lại lợi thế không công bằng cho các công ty Mỹ trong lĩnh vực khai thác tài nguyên ngoài vũ trụ. Một số học giả thậm chí còn cho rằng việc khai thác tài nguyên trên Mặt trăng chẳng khác nào chiếm hữu lãnh thổ.

Tính đến tháng 2/2024, có tổng cộng 35 quốc gia đã tham gia ký kết Hiệp định Artemis. “Tuy nhiên, bất kỳ luật pháp quốc tế nào thực sự có tính ràng buộc đều phải được Liên Hợp Quốc thông qua”, Hanlon nhận định. Điều đó có thể sắp xảy ra khi một Ủy ban của Liên Hợp Quốc chuyên về “sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình” sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào cuối tháng 4/2024 để thảo luận về vấn đề khai thác tài nguyên ngoài không gian.

“Cho đến lúc đó, chúng ta vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải, chẳng hạn như việc khai thác Mặt trăng có tuân theo các điều luật tương tự như khai thác tiểu hành tinh hay không”, Hanlon cho biết. “Xét về nhiều mặt, luật pháp về khai thác tài nguyên ngoài vũ trụ đang tụt hậu và chưa theo kịp thời đại. Nhưng đó là tình trạng mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay”.