Năm 2018, các cố vấn Chính phủ Mỹ dự đoán Mỹ sẽ sớm bị Trung Quốc vượt qua về chi cho R&D. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, dường như điều đó không xảy tới nữa.

.

Cuộc đua Mỹ - Trung

Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và tỷ lệ sinh giảm mạnh đã thúc đẩy cuộc tranh luận về uy thế kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc đối với Mỹ, sau một giai đoạn có nhiều đánh giá rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ. Giờ đây, một cuộc tranh luận tương tự đang diễn ra trong lĩnh vực chi cho nghiên cứu và phát triển.

Vào ngày 13/3 năm nay, Ủy ban Khoa học Quốc gia Mỹ (NSB), cơ quan tư vấn cho Quốc hội và tổng thống, đã công bố báo cáo Tình trạng Khoa học và Kỹ thuật Hoa Kỳ hai năm một lần với một bộ dữ liệu tiêu chuẩn về cách thức đầu tư cho R&D.

Báo cáo cho thấy rằng Mỹ vẫn giữ được vị trí dẫn đầu, chi 806 tỷ USD cho R&D, cả khu vực công và tư nhân vào năm 2021, năm gần nhất mà báo cáo tính toán. Cùng thời điểm, Trung Quốc đã chi 668 tỷ USD.

Mặc dù Trung Quốc đã chạy đua sát nút và nhiều lĩnh vực được đánh giá là đã đuổi kịp hoặc sớm đuổi kịp Mỹ trong hai thập kỷ qua, nhưng tổng quan từ báo cáo và nhìn kỹ vào những số liệu thống kê này, thì những có lẽ dự báo ấy chưa thành hiện thực, quỹ đạo của Trung Quốc và Mỹ trên đồ thị chi tiêu cho R&D chưa gặp nhau (xem biểu đồ chi tiêu trong nước cho R&D của Mỹ, Trung Quốc và một số nước phát triển khác).

Arati Prabhakar, Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng cho biết: “Tất cả chúng tôi đều đang chờ xem khi nào hai đường cong trên đồ thị đó giao nhau và chúng chưa giao nhau”.

Trở lại năm 2018, lúc đó có nhiều dự đoán cho rằng việc Trung Quốc sớm chiếm vị trí đầu bảng là điều không thể tránh khỏi. Trong năm đó, NSB đã đưa ra cảnh báo rằng với xu hướng hiện tại, họ dự kiến Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về đầu tư cho R&D vào cuối năm.


Trung Quốc và Mỹ trên đường đua đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng đã nhiều năm nay. Nhưng trong một thập kỷ gần đây thì cuộc đua đầu tư, cạnh tranh ngày càng sít sao hơn. Năm 2022, Trung Quốc chiếm 27,2% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, trong khi Mỹ là 24,9%.


Nhưng trong những năm gần đây, ở Mỹ đã chứng kiến “tăng đột biến” trong chi tiêu của doanh nghiệp cho R&D, đặc biệt là của các công ty công nghệ thông tin và dược phẩm, làm gia tăng nền kinh tế đổi mới sáng tạo của chúng ta”, Prabhakar nói.

Số liệu thống kê chứng minh điều này: từ năm 2018 đến năm 2021, chi tiêu cho R&D của doanh nghiệp ở Mỹ đã tăng hơn 1/3, lên hơn 600 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ trọng tài trợ cho R&D từ ngân sách liên bang gần như không thay đổi trong nền kinh tế. Đặc biệt ở Mỹ, R&D của khu vực tư nhân hiện nay rất quan trọng đến mức khu vực này đang tài trợ cho tỷ lệ nghiên cứu cơ bản (36%) gần như bằng chính phủ liên bang (40%), Prabhakar lưu ý.

Biểu đồ chi tiêu trong nước cho R&D của Mỹ, Trung Quốc và một số nước phát triển khác.
Biểu đồ chi tiêu trong nước cho R&D của Mỹ, Trung Quốc và một số nước phát triển khác.

EU tụt lại phía sau

Trong cuộc đua chi tiêu cho R&D giữa các cường quốc, EU tụt lại xa so với hai ông lớn. Điều đáng chú ý là chi tiêu cho R&D của Trung Quốc cao hơn 40% so với EU – đứng thứ ba thế giới về chi cho R&D.

“Chúng ta có một đối thủ cạnh tranh R&D rất đáng kể ở Trung Quốc. Nhưng thực ra, có một khoảng cách lớn giữa vị trí đó và phần còn lại của thế giới”, Prabhakar bình luận.

Tất nhiên, vị trí dẫn đầu của Mỹ so với Trung Quốc có thể bị xói mòn sau năm 2021, thời điểm báo cáo này thu thập dữ liệu. Nhưng kể từ đó, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với một loạt vấn đề ngày càng gia tăng, trong khi Mỹ đã có mức tăng trưởng ổn định và triển khai các chương trình đầu tư R&D công lớn như Đạo luật CHIPS và Khoa học, ước tính trị giá hơn 200 tỷ USD.

Tuy nhiên, những lời hứa tăng ngân sách khoa học đã bị giảm bớt do Quốc hội cản trở, và các dự luật tài trợ được thông qua gần đây sẽ cắt giảm ngân sách cho Quỹ Khoa học Quốc gia khoảng 8% trong năm nay.

Một kế hoạch ngân sách mới do Nhà Trắng đề xuất cho năm 2025 được kỳ vọng sẽ giúp đảo ngược những khoản cắt giảm này, nhưng các nhóm vận động hành lang nghiên cứu cho biết kể cả như vậy vẫn sẽ không đáp ứng được những lời hứa trong Đạo luật Khoa học và CHIPS.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng mới công bố kế hoạch tăng chi tiêu của chính phủ, dự kiến tăng cho khoa học và công nghệ thêm 10% vào năm 2024.

Chi tiêu chưa phải tất cả

Ngoài các con số chi tiêu thô cho R&D, các thông tin, đánh giá khác trong bản báo cáo sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phải nhìn nhận một cách tỉnh táo hơn về cuộc cạnh tranh phát triển R&D giữa Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể: NSB cảnh báo rằng Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ về nhân lực cho các ngành STEM, các xuất bản phẩm nghiên cứu, bằng sáng chế và sản xuất thâm dụng tri thức và công nghệ.

Về bằng sáng chế, báo cáo cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ vào năm 2021. EU đã bị Trung Quốc vượt qua vào năm 2019, nhưng vẫn ngang hàng với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế.

Khi nhìn đến con số nhân lực có bằng tiến sĩ khoa học và kỹ thuật, Trung Quốc đã đi trước Mỹ vào năm 2019. Vào năm 2017, Ấn Độ cũng đã trở thành quốc gia cấp bằng tiến sĩ nhiều thứ ba, nhưng gián đoạn do đại dịch vào năm 2020 đã khiến số lượng của nước này xuống dưới mức của Vương quốc Anh.

Trong một báo cáo khác, Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho rằng Mỹ cần phải thúc đẩy hơn nữa hợp tác nghiên cứu và đổi mới với các nước khác, khi nước này đang cạnh tranh sít sao với Trung Quốc trước làn sóng công nghệ mới.

Nhưng báo cáo hai năm một lần của hội đồng gửi Quốc hội cho thấy rằng trong số 16 mục tiêu tăng cường liên kết quốc tế đặt ra vào năm 2022, Mỹ mới chỉ đạt được tiến bộ “khoảng một nửa”.

Báo cáo kêu gọi Chính phủ Mỹ thúc đẩy “các cách tiếp cận linh hoạt và dài hạn hơn để tài trợ cho khoa học hợp tác quốc tế”, tương tự như những gì EU có thể tài trợ thông qua các khuôn khổ tài chính kéo dài 7 năm, hỗ trợ các chương trình dài hạn như Horizon Europe.

Nguồn:
https://sciencebusiness.net/news/international-news/us-holds-china-challenge-global-rd-spending-race
https://www.science.org/content/article/china-rises-first-place-most-cited-papers