Tại phiên họp gần đây của EU, trong một bài phát biểu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen đã kêu gọi về một hợp tác trường/viện-ngành công nghiệp, để tăng cường năng lực quốc phòng của EU trong năm năm tới.

Một phòng nghiên cứu công nghệ lượng tử ở Đức. Nguồn: AFP
Một phòng nghiên cứu công nghệ lượng tử ở Đức. Nguồn: AFP

“Không còn chỗ cho ảo tưởng nữa”, đó là lời của bà Ursula von der Leyen nói với các ủy viên EU ở Strasbourg, nơi nảy ra tranh luận về việc tăng cường sức mạnh quốc phòng châu Âu.

Bà đã đề cập đến tình hình xung đột ở Ukraina, Gaza và “sự trỗi dậy không ngừng của cuộc cạnh tranh và biến dạng lớn về kinh tế”. Do vậy, bà ủng hộ việc có một ủy viên quốc phòng trong Ủy ban châu Âu để trao đổi với ngành công nghiệp về những ý tưởng và những việc cần thiết phải làm trong mối liên kết giữa viện, trường, và quốc phòng. Theo bà, không nên thổi phồng quá mức nguy cơ chiến tranh nhưng chúng ta vẫn cần phải chuẩn bị. Và bắt đầu với nỗ lực cần thiết để tái xây dựng, tái bổ sung và hiện đại hóa các lực lượng quân đội của các quốc gia thành viên”.

Như một phần của chiến lược mới, EU sẽ tập trung vào việc đổi mới sáng tạo để đảm bảo có được sự ưu việt công nghệ trong những xung đột tương lai. “EU phải nỗ lực phát triển và chế tạo được những năng lực điều hành thế hệ mới để giành được chiến thắng trong các cuộc đối đầu”, bà nói. “Điều đó có nghĩa là tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng của chúng ta trong vòng năm năm tới”.

Mới đây, bà von der Leyen đã loan báo EU sẽ thiết lập một văn phòng đổi mới sáng tạo quốc phòng ở Kyiv, cho phép các quốc gia thành viên nghiên cứu các công nghệ được sử dụng trong xung đột ở Ukraine.

Ủy ban châu Âu mới tham khảo tư vấn của Horizon Europe ở phiên họp về công nghệ lưỡng dụng với những ứng dụng dân sự và quốc phòng. Họ đã từng thảo luận về vấn đề này một số lần. Vào tháng 2/2022, chín ngày trước khi cuộc xung đột xảy ra ở Ukraine, EU đã công khai một lộ trình về các công nghệ an ninh và quốc phòng, với một kế hoạch cho phép có thêm nhiều sự hợp lực giữa nghiên cứu trong lĩnh vực dân sự và quốc phòng.

Nhiều hơn và tốt hơn

Tiếp cận nguồn tài chính là một những thách thức cơ bản mà các công ty trong lĩnh vực này phải đối mặt. Chủ tịch Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) Nadia Calviño cho biết ngân hàng này “sẵn sàng làm được nhiều hơn và tốt hơn” để đóng góp vào các dự án hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âiu, sau một phiên họp với các bộ trưởng tài chính châu Âu.

Von der Leyen thúc giục các quốc gia thành viên đồng ý với đề xuất của EIB. “Tôi muốn khuyến khích các nhà lãnh đạo khu vực công và tư của chúng ta ủng hộ ngành công nghiệp quốc phòng và riêng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đồng thời cho biết SMEs đang “đứng mũi chịu sào trong đổi mới sáng tạo”.

Trong cuộc tranh luận, Manfred Weber của Nghị viện châu Âu, ủng hộ chiến lược của EIB và ý tưởng cần phải có một ủy viên điều phối chính sách quốc phòng của EU. Ông kêu gọi sự thay đổi của các nguyên tắc phân loại, vốn ẩn chứa một rào cản tài chính trong lĩnh vực này vì hiện tại vẫn chưa rõ là quốc phòng có được phân loại vào nhóm tài chính bền vững hay không.

Nicola Procaccini, đồng chủ tịch nhóm cánh tả ECR ở nghị viện châu Âu, đồng ý là cần phải ưu tiên quốc phòng nhưng cuộc tranh luận nên diễn ra sớm hơn. “Năm năm qua, chúng ta cứ nói về những thứ không phù hợp như xe điện thay vì trao đổi về an ninh và quốc phòng châu Âu”.

Các quốc gia thành viên đang tham gia vào các cuộc kêu gọi thúc đẩy đầu tư. “Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, an ninh và quốc phòng phải được EU ưu tiên hàng đầu”, Mathieu Michel, đại diện của Bỉ, trao đổi. Trước đó, Ioannis Vrailas, đại diện của Hy Lạp ở EU, cảnh báo EU phải phát triển các năng lực quốc phòng của chính mình và không nên phụ thuộc vào Mỹ.

Cơn thủy triều về đầu tư cho công nghệ quốc phòng, công nghệ lưỡng dụng đã lan đến Đức, nơi có truyền thống phân tách rất rõ ràng giữa nghiên cứu dân sự và quốc phòng; nhiều trường đại học còn có các điều khoản dân sự để tránh khỏi phải tham gia vào nghiên cứu liên quan đến quốc phòng.

Đánh giá thường niên của Đức về hệ thống nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và công nghệ được Thủ tướng Olaf Scholz công khai mới đây đã kêu gọi cần phải “tái xem xét một cách cơ bản” về sự tách biệt này. Nó cũng phản ánh tinh thần bình luận của Bộ trưởng Bộ Khoa học Đức vào tháng hai vừa qua.

Những mục tiêu dài hạn


Cuộc tranh luận ở EU đã dẫn đến những kêu gọi cho “một ngân sách gia tăng đáng kể cho một Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF)” trong nhiệm kỳ tới của EU trong giai đoạn 2024 đến 2029. Công cụ tài chính chính sách EDF có tổng trị giá 8 tỉ Euro cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

“Các quyết định liên quan đến nhu cầu ngắn hạn không phù hợp cho những mục tiêu dài hạn. Cần thiết phải có các đầu tư liên tục trong nghiên cứu trong lĩnh vực quốc phòng để tăng cường chủ quyền công nghệ của EU trong những lĩnh vực quan trọng và đảm bảo sự ưu việt trong cuộc đấu với những địch thủ tiềm năng”, theo nhận xét của Hiệp hội công nghiệp hàng không và quốc phòng châu Âu (ADS) viết.

Phản ứng của khối đại học

Giới học thuật đồng ý với nhau về việc có bất kỳ ưu tiên mới nào cũng cần được đầu tư bằng nguồn kinh phí bổ sung chứ không phải là lấy ra từ nguồn tài trợ cho nghiên cứu khác. Do vậy, câu chuyện về nghiên cứu công nghệ quốc phòng, công nghệ lưỡng dụng sẽ còn tiếp tục là vấn đề của từng trường đại học khi xem xét có nên tham gia vào nghiên cứu trong lĩnh vực này không, theo nhận xét của ông Kurt Deketelaere, Tổng thư ký Liên đoàn các trường đại học nghiên cứu EU. “Miễn là nghiên cứu quốc phòng được tài trợ bằng những khoản tiền mới, khác với nghiên cứu dân sự ở Horizon Europe, bây giờ cũng như tương lai, thì việc lựa chọn không là vấn đề”, ông nói với Science|Business.

Mattias Björnmalm, Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học KH&CN châu Âu (CESAER), đồng ý việc tăng cường năng lực quốc phòng bằng nghiên cứu phải có một nguồn ngân sách riêng. Điều này quan trọng với giới học thuật để “có thể hỗ trợ cho những phát triển đó”, ông cho biết và lưu ý việc tập trung vào năng lực quốc phòng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các trường đại học vì KH&CN tiên tiến là điều thiết yếu của những nỗ lực đó. Trong một văn bản vào năm 2022, CESAER đã đồng ý với việc củng cố việc tập trung vào dân sự của Horizon Europe. Với sự trỗi dậy của các công nghệ như AI và lượng tử, vốn rõ ràng có tiềm năng lưỡng dụng, họ cho rằng cần phải có thảo luận thêm. “Chúng ta cần khám phá cách có thể làm và cách phải làm để có những nỗ lực đem lại cho EU đẳng cấp xuất sắc nhất về KH&CN lưỡng dụng”, Björnmalm nói.

Nhiều nhà khoa học chú ý bài phát biểu của von der Leyen mới đề cập đến đổi mới sáng tạo nhưng chưa đề cập đến nghiên cứu khoa học. Khi EU tìm cách phát triển các năng lực quân sự và quốc phòng, “có một nguy cơ là người ta dễ cho là chỉ có đóng góp của đổi mới sáng tạo mà quên mất sự đóng góp của khoa học trong đó. Đây là một sai lầm”, Björnmalm chỉ ra.

Nguồn: sciencebusiness.net