Các quốc gia Đông Nam Á cho rằng quy định mới của Liên minh Châu Âu nhằm loại bỏ nguồn cung cấp dầu cọ nhập khẩu từ những cánh rừng già bị chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ đe dọa sinh kế của người dân bản địa.

k
Các chủ đồn điền cọ quy mô nhỏ ở Malaysia đang tách trái cọ tại khu vực thu gom. Ảnh: The New York Times

Năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng. Cụ thể, luật mới cấm một số mặt hàng, trong đó có các sản phẩm sử dụng dầu cọ và các sản phẩm khác như cao su và gỗ và nhựa từ những khu rừng được chuyển đổi sang đất nông nghiệp sau năm 2020. Đối với Liên minh Châu Âu, lệnh cấm có hiệu lực vào năm 2025là minh chứng rõ ràng nhất cho vai trò của họ như một lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, luật mới đang vấp phải sự phản đối của nhiều nước, nổi bật trong số đó là Malaysia và Indonesia - hai quốc gia cung cấp tới 85% dầu cọ cho thế giới. Theo Malaysia và Indonesia, lệnh cấm này sẽ đặt nền kinh tế của họ vào tình thế nguy hiểm.

Trong mắt họ, các quốc gia giàu có, tiên tiến về công nghệ, đồng thời là các cường quốc thực dân trước đây một lần nữa đang đặt ra các điều kiện và thay đổi quy tắc thương mại mà không cân nhắc đến đời sống của người dân ở các nước khác.

Tranh cãi về dầu cọ còn dấy lên một căng thẳng cốt lõi trong khía cạnh kinh tế học của biến đổi khí hậu: luận điểm cho rằng các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đang phải gánh chịu hậu quả từ các đợt tàn phá môi trường mà những quốc gia giàu nhất thế giới đã gây ra trong quá khứ.

Theo ông Nik Nazmi Nik Ahmad, Bộ trưởng Bộ Môi trường Malaysia: “Chúng tôi đồng ý rằng chúng ta phải chống lại nạn phá rừng. Nhưng thật không công bằng khi các quốc gia đã phá rừng trên đất của họ trong hàng thế kỷ, hoặc chịu sự trách nhiệm cho phần lớn hoạt động phá rừng trên đất của chúng tôi, giờ đây lại có thể đơn phương áp đặt điều kiện lên chúng tôi”.

Ngoài ra, nhiều quan chức chính phủ, đại diện của nông dân và các ngành công nghiệp cho rằng quy định của Liên minh Châu Âu thực sự là một hình thức bảo hộ kinh tế, một cách để bảo vệ đầu ra cho những nông dân châu Âu đang canh tác các loại cây hạt dầu, cạnh tranh với dầu cọ.

Theo các nhà lãnh đạo đứng đầu Indonesia và Malaysia, sinh kế của công dân ở hai quốc gia này đang bị đe dọa. Họ đồng tâm hiệp lực tuyên bố sẽ phản đối tình trạng phân biệt đối xử đối với ngành công nghiệp dầu cọ.

Đáng ngạc nhiên, những tuyên bố này nhận được sự hưởng ứng từ các nhà vận động chống đói nghèo và thậm chí, cả một số nhà môi trường học.

Theo bà Pamela Coke-Hamilton, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Quốc tế, một cơ quan được Liên Hợp Quốc thành lập để giúp các quốc gia nghèo đạt được sự thịnh vương thông qua thương mại, “khi quy định bắt đầu có hiệu lực vào năm sau, nhiều nông dân sẽ bị bất ngờ. Hầu hết nông dân nhỏ lẻ thậm chí không biết về lệnh cấm sắp tới, huống chi là tìm ra cách chứng minh nguồn gốc sản phẩm của mình.”

“Họ sẽ bị gạt ra khỏi thị trường, điều này này có thể gây hại thêm cho mội trường”, bà Coke-Hamilton nói thêm. “Chúng ta đều biết rằng nghèo đói có thể dẫn đến phá rừng”.

Cơn sốt dầu cọ

Vào ngày Tết Nguyên Đán ở Malaysia, ông Awang Suang, 77 tuổi, đã dậy từ khi trời còn chưa hừng đông. Ông vung chiếc máy cắt cỏ cầm tay quanh những cây cọ trên mảnh đất có diện tích gần 50.000 m2 của mình tại Membakut, Sabah.

Ông Awang đã trồng cọ hơn 50 năm sau khi chuyển đổi từ cây cao su. Theo ông, cây cọ đòi hỏi ít công lao động và khoảng hai tuần lại có thể thu hoạch một lần, thường xuyên quanh năm, mang lại thu nhập ổn định hơn.

Canh tác trong cái nóng xích đạo ẩm ướt là việc quá đỗi vất vả. Đối với những cây cọ cao, những nông dân như ông Awang cần đến một cái móc có thể kéo dài với lưỡi hái gắn ở đầu để cắt những bó quả nặng hơn 20 kg ở đỉnh thân cây. Sau đó, họ mang hoặc chuyển những bó quả đã rụng này xuống đường. Ở những mùa vụ thuận lợi, ông Awang có thể thu hoạch được 8 tấn quả mỗi ttháng. Ông Awang tiết lộ hầu hết các chủ đất mà ông biết đều trồng cọ.

Awang Suang cắt tỉa cỏ dại trên cây cọ trong đồn điền nhỏ của mình.
Ông Awang Suang cắt tỉa các loại cỏ mọc dại trên cây cọ trong đồn điền quy mô nhỏ của mình. Ảnh: The New York Times

Trong những thập kỷ gần đây, nhu cầu về dầu cọ bùng nổ trên thế giới. Khoảng một nửa các sản phẩm trên kệ siêu thị chứa dầu cọ. Phần lớn chúng đến từ các tập đoàn tỷ đô, những tập đoàn đã nuốt chửng hàng dặm đất đai để sản xuất dầu cọ.

Các hộ sản xuất nhỏ, được định nghĩa ở Malaysia là những nông dân sở hữu ít hơn 40 hecta mỗi hộ, chiếm đến 27% diện tích trồng cọ của nước này.

Cơn sốt dầu cọ được ví như cơn sốt vàng đã giúp giảm nghèo đói ở nông thôn, đem lại sự giàu có từ xuất khẩu và tạo ra việc làm. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, khoảng 4,5 triệu người ở Malaysia và Indonesia làm việc trong ngành dầu cọ.

Từng có thời, dầu cọ được quảng cáo là thân thiện với môi trường. Trên cùng một diện tích, dầu cọ có thể đem lại sản lượng gấp bốn đến mười lần so với đậu nành, cải dầu, hoặc hướng dương, một “siêu cây trồng” thật sự.

Nhưng lợi ích môi trường chỉ tích lũy nếu đất nông nghiệp hiện có được chuyển đổi sang trồng cọ. Thay vào đó, các nhà sản xuất đã phá những khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, đốt cháy các bãi than bùn để lấy đất trồng cọ. Việc loại bỏ những bồn chứa carbon quý giá này đã giải phóng một lượng khí nhà kính khổng lồ vào bầu khí quyển, gây ra thảm họa mội trường.

Theo Viện Tài nguyên Thế Giới, Malaysia đã mất gần một phần năm rừng nhiệt đới nguyên sinh của mình từ năm 2001 đến 2022. Môi trường sống của hàng ngàn loài, bao gồm đười ươi, gấu mặt trời, và voi lùn, đã bị phá hủy, thậm chí đặt một số loài vào nguy cơ tuyệt chủng.

Các tổ chức giám sát môi trường như Quỹ Động vật hoang dã Thế giới và một loạt các công ty đa quốc gia đã hợp tác thành lập tổ chức Roundtable on Sustainable Palm Oil vào năm 2004 - đây là một tổ chức tình nguyện đặt ra các tiêu chuẩn để giảm thiểu các hành động tàn phá môi trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù có cải thiện, những thỏa thuận tự nguyện không thể bảo tồn và phục hồi rừng thế giới. Một báo cáo của Nghị viện Châu Âu vào năm 2020 kết luận rằng “tự giám sát chỉ nên là phương án bổ sung cho các biện pháp bắt buộc”

Luật mới của Liên minh Châu Âu đi theo đúng tinh thần này. Để đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm nào bán trong 27 quốc gia của khối đều được truy xuất nguồn gốc, đạo luật yêu cầu hầu như tất cả các nhà sản xuất trồng dầu cọ, cà phê, ca cao, gia súc, đậu nành, cao su, và gỗ phải lập bản đồ chính xác khu vực đất nông nghiệp của họ để chứng minh rằng các sản phẩm không liên quan đến hành vi phá rừng. Nhà sản xuất phải chứng minh rằng các quy tắc được tuân thủ chặt chẽ tại mọi bước của chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, đối với nhiều người Malaysia, yêu cầu của Liên minh Châu Âu phản ánh một sự nhầm lẫn sâu sắc. Theo các hộ sản xuất nhỏ lẻ, việc truy xuất mỗi bó quả cọ từ một trang trại nhỏ ở các khu vực xa xôi phức tạp hơn nhiều so với những gì các nhà lập pháp ở Brussels nghĩ.

Khó truy xuất nguồn gốc

Các hộ sản xuât nhỏ lẻ chủ yếu bán cọ cho các thương lái, đại lý. Những bó quả cọ từ người trung gian này được chuyền sang người trung gian khác, cuối cùng các bó quả cọ từ hàng trăm đồn điền được trộn lẫn với nhau.

Theo ông Reza Azmi, giám đốc điều hành của Wild Asia - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Malaysia, chuyên làm việc với các hộ sản xuất nhỏ lẻ để cải thiện các thực hành môi trường - việc truy xuất càng trở nên phức tạp bởi người bán lo ngại về rủi ro cạnh tranh. “Họ không muốn tiết lộ cho các nhà máy biết nguồn cung cấp của họ đến từ đâu,” ông Azmi cho biết. Các nhà sản xuất và thương nhân nhỏ lẻ có thể bị những doanh nghiệp nông nghiệp lớn loại bỏ khỏi thị trường. “Chúng tôi được biết nhiều người ở Sabah đang tìm cách bán các nhà máy nhỏ của họ cho những tập đoàn lớn, vì họ không có nguồn lực để tuân thủ theo đạo luật”, ông nói thêm.

Theo đạo luật của Liên minh Châu Âu, sản phẩm từ một trang trại không được chứng nhận sẽ khiến toàn bộ lô hàng không đủ điều kiện được xuất khẩu đến Châu Âu, nhà nhập khẩu dầu cọ lớn thứ ba thế giới.

Theo ông Oliver Tichit, giám đốc bền vững của Tập đoàn Musim Mas, Indonesia, một trong những công ty kinh doanh dầu cọ lớn nhất thế giới, tập đoàn của ông mua quả từ một triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. “Chỉ cần một hộ không tuân thủ, sản phẩm của cả nhà máy sẽ không xuất đi được”.

Phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu cho biết, “Ủy ban cam kết cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để đảm bảo rằng các hộ sản xuất nhỏ lẻ hoàn toàn có thể thích ứng với sự thay đổi. EU sẽ chi 110 triệu Euro để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.”

Nông dân sở hữu dưới 10 mẫu Anh (khoảng 40.000 m2) có thể sử dụng điện thoại thông minh để lập bản đồ phần đất của họ. “Việc ứng dụng toạ độ GPS vô cùng dễ dàng và miễn phí,” trích một hướng dẫn của Liên minh Châu Âu.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc lập bản đồ các trang trại, sau đó xác minh dữ liệu sẽ vô cùng phức tạp, tốn kém thời gian và tiền bạc, chưa kể đến việc giấy tờ đất đai lằng nhằng và nhiều rắc rối khác.

Để thực hiện phóng sự này, hai phóng viên Patricia Cohen và Jes Aznar đã phỏng vấn những nông dân và chủ đất trong suốt hành trình dài 900 dặm trên đảo Borneo, đồng thời phỏng vấn nhiều quan chức ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Nguồn: