Việt Nam đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng. Mục tiêu đó chứa đựng khát vọng của cả dân tộc. Nó là một luận cứ đủ mạnh để thuyết phục những ai, đặc biệt là những người có trách nhiệm chuyên môn, tìm đọc cuốn “Cuộc truy cầu sự thịnh vượng – Làm sao để các nền kinh tế đang phát triển cất cánh”.


Sức thuyết phục mời gọi đọc cuốn sách còn mạnh mẽ hơn khi biết tác giả – GS.TS Justin Yifu Lin [Lâm Nghị Phu] –Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc, Đại học Bắc Kinh, (nguyên là) Chuyên gia Kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch Cấp cao, Ngân hàng Thế giới từ năm 2008 đến năm 2012.

Vốn là một kinh tế gia, khi đảm đương chức vụ lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Thế giới, GS Lâm Nghị Phu có bốn năm trải nghiệm thực tiễn tăng trưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu với ý thức sâu sắc về bổn phận và trách nhiệm của mình. Quá trình đó tạo cho ông nền tảng tri thức vững chắc, cả lý thuyết lẫn thực tiễn, để viết cuốn sách này.

GS.TS Justin Jipu Lin (Lâm Nghị Phu). Ảnh: www.nse.pku.edu.cn
GS.TS Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu). Ảnh: www.nse.pku.edu.cn

Chủ đề của cuốn sách không mới – tìm kiếm cội nguồn của tăng trưởng và sự thịnh vượng kinh tế. Là một trong những đối tượng nghiên cứu luôn giành được sự quan tâm hàng đầu của nhân loại, chủ đề này đã được cày xới kỹ lưỡng – cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn – suốt mấy trăm năm qua. Nhiều giải Nobel đã được trao cho không ít nhà kinh tế lỗi lạc với các công trình nghiên cứu xuất sắc về đói nghèo và tăng trưởng.

Nhưng, đánh giá một cách khách quan, tại thời điểm hiện nay, nghĩa là sau những nghiên cứu đỉnh cao đó, và ít nhất cũng là sau 12 năm, kể từ khi cuốn sách được xuất bản lần đầu (2012) - quãng thời gian đủ dài để thế giới trải qua hàng loạt biến cố gây đột biến ở tầm toàn cầu – thời đại, sự tiếp tục nghiên cứu chủ đề này của GS Lâm Nghị Phu vẫn đáp ứng mong đợi của người đọc ở cấp độ chất lượng cao nhất.

Cho đến nay, khi loài người đã thực sự bước vào Kỷ nguyên Kinh tế số và Thời đại Trí tuệ nhân tạo, rất nhiều, thực ra là đa số, quốc gia trên trái đất với phần đông nhân loại vẫn chưa vượt qua ngưỡng đói nghèo. Những làn sóng tỵ nạn, nhập cư bất hợp pháp đông hàng triệu người từ Nam bán cầu vẫn tràn tràn lên phía Bắc, với sức mạnh của sự khốn cùng do đói nghèo và chiến tranh gây ra, đang đe dọa trật tự xã hội và cả nền văn minh Tây Âu và Bắc Mỹ, những nơi đã đạt được trình độ phát triển cao và sự giàu có kinh tế.

Các lý thuyết, mô hình phát triển kinh tế mang tính dẫn dắt - tất cả được sinh ra từ các nền kinh tế phát triển - đều là sự đúc kết trí tuệ ở tầm đỉnh cao, kế tục nhau trong sự phát triển và khác biệt nhưng có vẻ đã không thể giúp đa số các nền kinh tế đi sau thoát khỏi thân phận đói nghèo.

Điều đó có nghĩa là thời hiện đại vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề và khó thoát khỏi của một quá trình lịch sử chưa hoàn thành sứ mệnh. Có nghĩa là cuộc truy tìm căn nguyên tăng trưởng hay cội nguồn của sự thịnh vượng, khởi đầu lý luận từ Adam Smith cách đây hai thế kỷ rưỡi cho đến nay vẫn chưa đi tới kết cục mong đợi.

Bản tiếng Việt do TS Vũ Hoàng Linh dịch, Khải Minh Book và Nhà Xuất bản Thế giới ấn hành.
Bản tiếng Việt do TS Vũ Hoàng Linh dịch, Khải Minh Book và Nhà Xuất bản Thế giới ấn hành.

Với cuốn sách này, GS Lâm Nghị Phu muốn đóng góp phần của mình cho nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đó.

Không ôn lại quá khứ theo cách lặp lại lý luận và tổng kết kinh nghiệm một cách nhàm chán, Cuộc truy cầu sự thịnh vượng chứa đựng nhiều kiến giải mới về lịch sử và những gợi ý có giá trị cho tương lai. Đây chính là lý do cuốn sách được nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia đang phát triển đánh giá cao – như được dẫn ra trong cuốn sách.

Trong cuốn sách của mình, GS Lâm Nghị Phu đã hòa quyện lịch sử phát triển lý luận và thực tiễn tăng trưởng kinh tế của thế giới, khái quát những tuyến lớn của mô hình tăng trưởng – mối quan hệ cơ chế mang tính quyết định “nhà nước – thị trường”, hoặc cấu trúc tăng trưởng dựa vào “thay thế nhập khẩu” hay “định hướng xuất khẩu”, trong các kiến giải của các trường phái “cổ điển”, “Keynes”, “Tân Cổ điển” hay “Cấu trúc cũ” - “Cấu trúc mới”, …, căn cứ vào thực tiễn các nước đang phát triển để đưa ra những nhận định và gợi ý ở tầm tương xứng.

Cách tiếp cận phân tích đó giúp ông rút ra nhiều kết luận, nhận định sâu sắc và độc đáo. Đánh giá cao giá trị vạch thời đại của bước chuyển từ nghiên cứu nặng về kinh nghiệm sang trình độ lý luận (dấu mốc là Adam Smith với cuốn Sự giàu có của các dân tộcnăm 1776) và những đóng góp lý luận to lớn của các trường phái kinh tế học khác nhau, song GS Lâm Nghị Phu cho rằng dường như sự phát triển của lý luận kinh tế - với sự tiếp nối của các trường phái kinh tế học, của các mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế được đề xuất qua các thời kỳ - vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn đời sống phong phú, đa dạng, nhiều bản sắc và thường xuyên biến đổi với tốc độ ngày càng cao, cấu trúc ngày càng phức tạp.

Theo GS Lâm Nghị Phu, đa số các nước đang phát triển - đi sau, trong một thời gian dài, đều chưa giải quyết vấn đề đói nghèo, bị thất bại trong nỗ lực áp dụng các lý thuyết kinh tế đã được “đúc kết, phát minh và triển khai” ở các nền kinh tế phát triển vào công cuộc phát triển nền kinh tế của đất nước mình. Ông cho rằng “không có bí kíp thần thánh nào ở các nước tiến tiến”, và, như ý kiến của Paul de Grauwe, một nhà kinh tế học tiền tệ nổi tiếng, “Các mô hình kinh tế vĩ mô mà họ có ngày nay chắc chắn không cung cấp cho họ những công cụ phù hợp để họ có thể thành công”1.

Thực tiễn cũng cho thấy đa số các nền kinh tế đi sau thành công trong mấy thập niên gần đây – bao gồm các “thần kỳ Đông Á”, từ Nhật Bản, đến Hàn Quốc, Đài Loan,… gần đây nhất là Trung Quốc - đều là những mẫu hình thực tiễn của cách thức phát triển khác biệt nhiều so với các sơ đồ lý thuyết đã định hình, với những nguyên tắc được ấn định trong “Đồng thuận Washington”. Ông dẫn chứng Trung Quốc như là điển hình của cách phát triển “đã vi phạm hầu hết các nguyên tắc cơ bản để có một nền kinh tế thị trường hoạt động tốt, những thứ được ấn định trong các lý thuyết chủ lưu …” Ông gọi đây là “bí ẩn rõ ràng của thành công kinh tế” mà Việt Nam và một số ít nền kinh tế khác cũng đang nắm giữ.

Có lẽ chính sự bí ẩn đó tạo thành động cơ thúc đẩy ông tiếp tục cuộc “truy tìm sự thịnh vượng” trong cuốn sách này.

Nhận định đó không hàm ý bác bỏ những thành quả lý thuyết hay phủ nhận lý luận. Nó chứa đựng một gợi ý về cách tư duy chiến lược theo nguyên tắc biện chứng, rằng thực tiễn phong phú gấp bội phần lý luận, rằng sự “thông hiểu lý thuyết” kiểu giáo điều sẽ là một trong những nguồn gốc cơ bản của tình trạng “đói nghèo bền vững” ở các quốc gia.

Nhận định đó gợi ý rằng trong công cuộc “truy tìm sự thịnh vượng”, những sự tìm tòi thực tiễn mang tinh thần đổi mới sáng tạo ở các nước đi sau cần được tiếp tục mổ xẻ, tổng kết và đúc kết thành các bài học có giá trị.

GS Lâm Nghị Phu luôn nhắc đến Việt Nam như một hình mẫu cụ thể trong số những quốc gia đó. Có thể coi đây là một gợi ý về thái độ và trách nhiệm của chúng ta đối với vấn đề được đặt thành chủ đề của cuốn sách này.

* *

Nhưng theo tôi, đó mới là một nửa của câu chuyện – phần nghiêng về tổng kết quá khứ để tiếp tục giải quyết bài toán mà lịch sử để lại.

Cách tiếp cận của cuốn sách này còn gợi suy các vấn đề tương lai - của chính chủ đề này - thậm chí còn phức tạp hơn, chưa định hình rõ về cấu trúc, do đó, sẽ khó giải quyết hơn, vì thế, có sức hấp dẫn đặc biệt.

Chúng ta đang đối diện với một thế giới hoàn toàn mới, cho dù chỉ so sánh với thế giới cách đây 12 năm, khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu. Tại thời điểm hiện nay, trong khi các vấn đề “cũ” về tăng trưởng và đói nghèo còn chưa giải quyết xong, đã nảy sinh hàng loạt vấn đề, đúng ra là các “đại vấn đề”, mới về nguyên tắc. Đại dịch Covid, thời đại công nghệ cao với kinh tế số làm nền tảng và trí tuệ nhân tạo dẫn dắt với những cơ hội, rủi ro và thách thức khác thường, cơ hội làm giàu bùng nổ theo một logic mới, tình trạng “đứt chuỗi” và “nghẽn mạch” toàn cầu, biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở một cấp độ đe dọa mới, xu hướng suy giảm dân số ở hàng loạt nước, nhu cầu chuyển sang nền kinh tế xanh trên phạm vi toàn cầu như là giải pháp để cứu trái đất khỏi bị diệt vong, v.v.

Bối cảnh phát triển hoàn toàn khác, những điều kiện và cách thức giải quyết vấn đề phát triển – đối với các nước đang phát triển, trước hết vẫn là vấn đề thoát nghèo, “tìm kiếm sự thịnh vượng” – đã thay đổi căn bản. Nghĩa là phải giải quyết vấn đề “muôn năm cũ” của loài người theo một tư duy mới, với một cách tiếp cận mới và bằng hệ giải pháp mới.

Những khía cạnh cụ thể của hệ vấn đề thời đại này chưa được đặt ra thật sự rõ ràng trong cuốn sách của GS Lâm Nghị Phu. Nhưng logic giải quyết vấn đề của cuốn sách, cùng với chính những thay đổi thực tiễn sôi động gợi ra và đòi hỏi như vậy.

Tôi nghĩ đây chính là nửa phần việc khó nhất đang đặt ra, thách thức chúng ta, những người Việt Nam đang muốn xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.


----


(1) “Họ” ở đây chính là các Ngân hàng Trung ương. Suy rộng ra, “họ” là những lực lượng “thực chiến”, đang điều hành nền kinh tế, là các chính phủ.