Các mô hình giáo dục thích ứng đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm quen với AI và tốc độ biến đổi của nó, điều sẽ giúp họ không bị thay thế bởi AI trong tương lai.

Ngay ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI, cuộc tranh luận về việc liệu AI có đe dọa trực tiếp đến công ăn việc làm của con người hay không đã nổ ra. Ý kiến về vấn đề này rất khác nhau – kể cả khi đã có dữ liệu cho thấy AI đóng vai trò không nhỏ trong một số đợt sa thải hàng loạt gần đây của các công ty công nghệ lớn.

Một số người nhìn thấy sự mất mát - AI thay thế con người và lấy đi việc làm, ngay cả khi chúng có thể tạo ra một số việc làm mới. Trên thực tế, việc dịch chuyển sang một ngành nghề khác không phải là điều dễ dàng với nhiều người, nhất là khi “những lãnh địa AI không thể chạm tới” (như sáng tạo, cảm xúc, văn hóa) ngày càng thu hẹp. Đầu năm nay, IMF đã cảnh báo 40% công việc trên thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi AI. Con số này tăng lên 60% đối với các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ.

Trong khi đó, một số khác nhìn thấy cơ hội - AI có thể làm tăng năng suất của con người và họ có thể tận dụng nó để tạo vị thế tốt hơn cho bản thân.

Về cơ bản, các chuyên gia công nghệ và giáo dục đều nhất trí với nhau rằng cần phải có một sự thay đổi để thích nghi với thời đại AI, dù đôi khi họ bối rối chưa biết nên thay đổi theo hướng nào.

Tận dụng thích hợp năng lực của AI trong giáo dục để tạo ra những thế hệ người học mới thành thạo việc sử dụng AI. Ảnh minh họa: Sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo của trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Nguồn: TTXVN
Tận dụng thích hợp năng lực của AI trong giáo dục để tạo ra những thế hệ người học mới thành thạo việc sử dụng AI. Ảnh minh họa: Sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo của trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Nguồn: TTXVN

Chẳng hạn, tại Hội nghị thượng đỉnh các chính phủ thế giới gần đây ở Dubai, Giám đốc điều hành Nvidia, ôngJensen Huang,đã đưa ra một lời khuyên trái ngược với quan điểm truyền thống của các CEO công nghệ khi khuyến khích trẻ em không nên tập trung vào việc học lập trình (coding). Thay vào đó, ông tin rằng với sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo (AI), lập trình không còn là một kỹ năng quan trọng nữa.

Huang lập luận rằng, khi AI tiếp tục phát triển, nó sẽ trở nên thành thạo việc lập trình hơn con người. Điều này có nghĩa là thay vì học lập trình, các cá nhân có thể tập trung vào việc phát triển chuyên môn trong những lĩnh vực khác như sinh học, giáo dục, sản xuất hoặc nông nghiệp. Bằng cách để lại công việc viết code “máy móc” cho AI, con người có thể khai thác sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề mà không bị sa lầy trong các chi tiết kỹ thuật.

Theo Huang, trẻ em trong tương lai không nhất thiết phải học thêm các “ngôn ngữ” của máy tính mà chỉ cần học tốt ngôn ngữ của con người, và làm việc trong ngôn ngữ đó dưới sự trợ giúp của công cụ AI. Sự chuyển đổi trọng tâm này có thể dẫn đến những bước đột phá trong các ngành công nghiệp khác nhau, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Bình luận về ý kiến của Huang, các chuyên gia cho rằng việc ngăn cản trẻ em học lập trình sẽ khiến các em có nguy cơ mất đi các kỹ năng phân tích, sáng tạo và giải quyết vấn đề có giá trị gắn với lập trình. Một số nhà giáo dục còn đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh tư duy khi học lập trình và so sánh nó giống như tư duy khi học toán giúp tăng cường khả năng nhạy bén của não bộ. Các kỹ sư lập trình lâu năm cũng nói rằng họ không tin lắm vào “cái chết của việc lập trình” (vốn đã được dự đoán rất nhiều lần mỗi khi có một ngôn ngữ lập trình thấp low-code ra đời) và việc nắm bắt các công việc lập trình cốt lõi vẫn cực kỳ cần thiết để có thể xử lý các kết quả, tình huống xảy ra trong lúc làm việc với máy tính.

Tuy nhiên, nhiều người phản biện bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với các tiến bộ công nghệ. Họ tin rằng khi AI trở nên phổ biến hơn, học sinh có thể tập trung vào việc thu thập kiến thức và kỹ năng bổ sung cho AI, thay vì sao chép năng lực của nó. Nhu cầu về lập trình viên trong tương lai có thể không còn cao như bây giờ vì đã có nhiều công ty không còn muốn tuyển thêm lập trình viên fresher do họ không làm việc hiệu suất bằng máy móc. “Hãy để bọn trẻ khám phá và xây dựng thế giới quan của chúng, không nên bắt chúng làm ‘thợ hồ công nghệ,’” một phụ huynh viết trên mạng xã hội. Ngoài ra, theo một số người, các lợi ích tư duy của việc học lập trình đối với trẻ em cũng có thể được học qua các hoạt động khác, kể cả lúc chơi hay nấu ăn, àm không bắt buộc phải ngồi trước máy tính. Sẽ có những đứa trẻ thích học lập trình, nhưng không phải là tất cả.

Mặc dù lời khuyên của ông Huang có thể thách thức quan điểm truyền thống, nhưng nó mở ra một cuộc đối thoại về việc hệ thống giáo dục sẽ phải làm gì để chuẩn bị cho viễn cảnh AI định hình lực lượng lao động trong tương lai.

Nhà trường với tư cách là nơi trang bị kiến thức và kĩ năng cho người học trong một môi trường mô phỏng tương lai sẽ phải xác định lại những giá trị họ cần cung cấp nhằm giúp người học có khả năng thích nghi tốt hơn với thực tế.

Có một số điều chỉnh rất đáng tham khảo để giáo dục có thể khai thác những lợi thế của AI, bao gồm áp dụng mô hình lớp học đảo ngược (cho bậc THCS, THPT) và các chương trình liên ngành (cho bậc đại học).

Với mô hình lớp học đảo ngược, học sinh sẽ tự học các kiến thức, kỹ năng cơ bản ở nhà (thông qua video, bài đọc, chatbot v.v.) và sau đó sử dụng chúng để giải quyết các vấn đề thực tế khi lên lớp, thông qua các hoạt động thuyết trình, thảo luận, mô phỏng, tranh biện, kiểm tra. Vì các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT hoặc Gemini đã làm cho việc ghi nhớ kiến thức trở nên vô ích, trọng tâm của lớp học sẽ chuyển dần sang những kỹ năng khác như óc tò mò, sáng tạo, giải quyết vấn đề, tư duy phê phán, nhận thức về cá nhân và xã hội, sự thấu cảm, khả năng lãnh đạo v.v. Chúng sẽ trở thành yếu tố khác biệt lâu dài để phân biệt “con người” với “máy móc”. Với cách tận dụng thích hợp năng lực của AI, chắc chắn AI sẽ hỗ trợ việc học và không làm chây lười tâm trí của những người dùng.

Với các chương trình liên ngành, những ý tưởng mới của sinh viên sẽ đến từ giao điểm của các ngành học. Ví dụ: khi kết hợp AI với robot và sinh học, bạn có thể tạo ra thiết bị phẫu thuật robot thế hệ tiếp theo. Chúng ta cần thay đổi cách giáo dục đại học đang đóng hộp người học vào một ngành “kỹ thuật điện”, “tâm lý học”, “công nghệ sinh học” hoặc “kinh tế”. Thay vào đó, hãy bổ sung các chương trình ở giao điểm của những lĩnh vực này với AI. Khi đó, AI có thể trở thành công cụ dùng “quen tay” và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho người học.

Tựu trung, các mô hình giáo dục thích ứng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm quen với AI và tốc độ biến đổi của nó. Nếu được áp dụng, trong vòng 5-10 năm tới, chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ lao động mới, những người không còn sợ AI lấy mất việc làm của mình bởi họ hiểu rõ AI không thay thế họ mà người biết cách sử dụng AI mới thay thế họ.