Lạc quan hay bi quan không chỉ là một đặc điểm tâm lý, nó có liên quan đến mặt sinh học. Ngày càng nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy sự lạc quan có thể là một công cụ mạnh mẽ để ngăn ngừa bệnh tật và sống khỏe mạnh đến già.

Giáo sư Immaculata de Vivo. Ảnh: El León
Giáo sư Immaculata de Vivo. Ảnh: El León

Immaculata de Vivo là nhà dịch tễ học phân tử và giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Harvard. Nghiên cứu của bà tập trung vào cách các biến thể gene tương tác với môi trường ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư nội tiết, đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung.

Bài viết dưới đây được trích từ cuốn sách “Sinh học của lòng tốt” xuất bản năm 2020, do Immaculata De Vivo và Daniel Lumera đồng tác giả.

***

Người ta thường nghĩ lạc quan và bi quan là những tính cách mơ hồ, khó xác định. Nhưng thực tế, chúng là những trạng thái tinh thần có thể đo lường được bằng khoa học. Mỗi người có thể được xếp vào một vị trí trên thang điểm từ lạc quan đến bi quan. Bằng cách xác định mức độ lạc quan cơ sở của những người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học có thể xác định mối tương quan giữa mức độ lạc quan và tình trạng sức khỏe tương ứng.

Năm 2019, một đánh giá công bố trên tạp chí JAMA Network Open của bác sĩ chuyên khoa tim mạch Alan Rozanski tại Bệnh viện Mount Sinai Morningside (Mỹ) đã so sánh kết quả của 15 nghiên cứu khác nhau trên tổng số gần 230.000 người.

Phân tích của Rozanski cho thấy những người có mức độ lạc quan cao hơn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thấp hơn 35% so với những người có mức độ lạc quan thấp hơn. Ngoài ra, họ cũng có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Rozanski chỉ ra rằng những người lạc quan nhất có xu hướng chăm sóc bản thân tốt hơn, đặc biệt bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc. Những hành vi này ít thấy ở nhóm người có mức độ bi quan nhất. Những người này có xu hướng ít quan tâm đến bản thân mình.

Tuy nhiên, tác hại của bi quan không chỉ dừng lại ở mặt hành vi, nó cũng nằm ở mặt sinh học: Sự căng thẳng kéo dài do nồng độ hormone cortisol và noradrenaline tăng cao sẽ dẫn đến mức độ viêm trong cơ thể tăng lên và thúc đẩy sự khởi phát của bệnh tật. Hơn nữa, bi quan bệnh lý có thể dẫn đến trầm cảm. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã coi trầm cảm là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.

Mối liên quan tương tự cũng được tìm thấy đối với các bệnh nhẹ như cảm lạnh. Một nghiên cứu năm 2006 đã phác thảo hồ sơ tính cách của 193 tình nguyện viên khỏe mạnh được tiêm một loại virus đường hô hấp thông thường. Kết quả cho thấy những người có thái độ tích cực ít có khả năng xuất hiện triệu chứng nhiễm virus hơn so với những người có thái độ tiêu cực.

Lạc quan theo đó là một trong những yếu tố phi sinh học thú vị nhất liên quan đến cơ chế sống lâu bởi nó liên kết giữa các đặc điểm tâm lý của một người với sức khỏe thể chất của họ. Theo nghĩa này, lạc quan cung cấp cho chúng ta một chiến lược khác để bảo vệ sức khỏe của mình.

Những người lạc quan có xu hướng sống lâu hơn, nghiên cứu năm 2019 do TS. Lewina Lee tại Đại học Harvard (Mỹ) tiết lộ. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của gần 70.000 phụ nữ từ Nghiên cứu Sức khỏe Y tế được thực hiện trong vòng 10 năm (2004 đến 2014), đồng thời phân tích dữ liệu của gần 1.400 nam giới từ Nghiên cứu Lão hóa Chuẩn mực của Bộ Cựu chiến binh Mỹ được thực hiện trong vòng 30 năm (1986 đến 2016).

Kết quả cho thấy những người lạc quan có xu hướng sống lâu hơn 11-15% so với những người bi quan và có cơ hội tuyệt vời để đạt được “tuổi thọ đặc biệt” trên 85 tuổi. Con số này không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác như tình trạng kinh tế xã hội, sức khỏe tổng thể, hội nhập xã hội và lối sống vì theo TS. Lee, những người lạc quan có khả năng diễn dịch lại một tình huống bất lợi và phản ứng với nó hiệu quả hơn. Họ có thái độ sống tự tin hơn và kiên định vượt qua những trở ngại, thay vì nghĩ rằng mình không thể làm gì được để thay đổi điều bất ổn.

Một nghiên cứu khảo sát được tiến hành tại Pháp vào năm 1998 đã đưa ra giả thuyết về mối tương quan giữa tỷ lệ tử vong và các sự kiện tập thể mang lại lạc quan. Vào ngày 12/7 năm đó, tại sân vận động Saint-Denis, đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp đã giành chức vô địch World Cup trước Brazil.

Dữ liệu về các ca tử vong do biến cố tim mạch được ghi nhận trong ngày hôm đó cho thấy một sự sụt giảm đáng kể so với mức trung bình được ghi nhận trong quãng thời gian từ ngày 7 - 17/7. Nhưng hiệu ứng này chỉ giới hạn ở nam giới, trong khi đối với nữ giới thì vẫn giữ nguyên. Mặc dù các nhà khoa học không thể xác định mối quan hệ nhân quả giữa hai vấn đề, nhưng sự trùng hợp thú vị trong trường hợp này cho thấy sự lạc quan tăng vọt sau chiến thắng của đội bóng Pháp có thể đóng một vai trò nào đó trong câu chuyện.

Đào sâu vào tâm trí của người lạc quan

Với tiền đề rằng một phần cơ bản của cuộc sống là theo đuổi mục tiêu, người ta nhận thấy rằng việc gặp phải những trở ngại để đạt được những mục tiêu có thể dẫn đến những kết quả khác nhau, tùy thuộc vào mức độ lạc quan của mỗi người.

Nếu người đó có thái độ tự tin và tích cực, họ sẽ cố gắng vượt qua trở ngại. Còn nếu họ nghi ngờ rằng nỗ lực của mình sẽ chẳng thể thành công, họ sẽ có xu hướng buông bỏ. Những người bi quan có thể cảm thấy bực bội, bất đắc chí vì vẫn còn cố gắng đạt mục tiêu, hoặc có thể trở nên hoàn toàn thờ ơ và thất bại trong việc chạm tới đích. Đặt trên quy mô lớn hơn, người lạc quan và người bi quan nhìn nhận cơ chế này như một thái độ tinh thần, không chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất mà còn hướng đến tương lai nói chung.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa hai thái độ này và những kết quả đạt được trong các tình huống thực tế. Người ta thấy rằng những người lạc quan có nhiều khả năng hoàn thành việc học đại học hơn, không phải vì họ thông minh hơn những người khác mà vì họ có nhiều động lực và kiên trì hơn. Và họ cũng có khả năng quản lý việc theo đuổi nhiều mục tiêu cùng lúc tốt hơn - chẳng hạn như kết bạn, chơi thể thao và học hành ở trường - bằng cách tối ưu hóa các nỗ lực của mình: ưu tiên tập trung vào các mục tiêu quan trọng và giảm bớt sự chú ý vào các mục tiêu thứ yếu.

Người lạc quan dường như có khả năng kiểm soát bản thân rất khéo léo. Họ dồn nhiều sức hơn khi mọi việc diễn ra suôn sẻ để tận dụng cơ hội, nhưng cũng biết giảm bớt nỗ lực khi tình hình khó khăn hơn để tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên họ cũng gia tăng nỗ lực khi có khó khăn cần vượt qua.

Cuốn sách “Sinh học của lòng tốt” xuất bản năm 2020, doImmaculata De Vivo và Daniel Lumera đồng tác giả. Ảnh: MIT Press/Canva mockup
Cuốn sách “Sinh học của lòng tốt” xuất bản năm 2020, do Immaculata De Vivo và Daniel Lumera đồng tác giả. Ảnh: MIT Press

Trong một nghiên cứu nổi tiếng vào năm 1990 của nhà tâm lý học tích cực Martin Seligman, liên quan đến các đội bơi của trường đại học, các huấn luyện viên đã yêu cầu vận động viên thi đấu hết sức mình. Vào cuối mỗi vòng, các vận động viên được cho kết quả không chính xác, khiến thành tích của họ dường như chậm hơn khoảng 2 giây - mức sai lệch đủ nhỏ để họ có thể tin là thật, nhưng cũng đủ để khiến các vận động viên cảm thấy thất vọng.

Sau vài giờ nghỉ ngơi mà các vận động viên có thể đã suy nghĩ về thành tích không tốt trong lần thi trước, họ được gọi thi đấu lần thứ hai. Kết quả giữa nhóm người lạc quan và nhóm người bi quan có sự khác biệt đáng kể. Những người bi quan có kết quả trung bình chậm hơn 1,6% so với lần bơi đầu tiên, trong khi những người lạc quan bơi nhanh hơn 0,5%. Thí nghiệm lý giải là: Người lạc quan có xu hướng xem thất bại như một động lực để phấn đấu hơn, trong khi người bi quan dễ dàng nản chí và bỏ cuộc hơn.

Các nghiên cứu về di truyền dường như cũng xác nhận ý tưởng rằng sự lạc quan là một công cụ hiệu quả để làm chậm quá trình lão hóa tế bào, trong đó chiều dài telomere được xem như một chỉ dấu sinh học (telomere là “mũ bảo vệ” ở cuối nhiễm sắc thể, có chức năng duy trì tuổi thọ của tế bào, giữ cho phân tử ADN được khỏe mạnh. Chiếc mũ này càng dài thì nhiễm sắc thể càng được bảo vệ tốt). Hướng nghiên cứu này vẫn đang được tiến hành, nhưng những kết quả ban đầu cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích.

Chẳng hạn, vào năm 2012, Elizabeth Blackburn - nhà khoa học từng đoạt giải Nobel ba năm trước đó nhờ nghiên cứu về enzyme phục hồi telomere - cùng Elissa Epel tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) và một số tổ chức khác, đã xác định được thái độ tiêu cực có mối liên quan đến việc telomere ngắn hơn. Các nghiên cứu đang được mở rộng với quy mô mẫu lớn hơn, nhưng dường như rõ ràng sự lạc quan và bi quan đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe của con người cũng như tốc độ lão hóa tế bào.

Gần đây, vào năm 2021, một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học từ Đại học Harvard, Đại học Boston (Mỹ) và Đại học Ospedale Maggiore (Ý) đã tiến hành một nghiên cứu quan sát chiều dài telomere của 490 cựu chiến binh nam cao tuổi. Kết quả, những người có thái độ bi quan mạnh mẽ thường có telomere ngắn hơn. Đây là một phát hiện đáng khích lệ trong số các nghiên cứu về cơ chế khiến sự lạc quan và bi quan có ý nghĩa sinh học.

Sự lạc quan được cho là có di truyền chỉ trong 25% dân số. Phần còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội và những nỗ lực có chủ ý để học cách suy nghĩ tích cực hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, bác sĩ Rozanski giải thích rằng “cách suy nghĩ của chúng ta thường là thói quen và diễn ra theo tiềm thức, vì vậy bước đầu tiên là học cách kiểm soát bản thân khi những suy nghĩ tiêu cực ập đến và quyết tâm thay đổi cách nhìn nhận mọi thứ. Chúng ta phải nhận ra rằng cách suy nghĩ của chúng ta không nhất thiết là cách duy nhất để nhìn vào một tình huống. Chỉ riêng suy nghĩ này thôi cũng có thể làm giảm tác động độc hại của sự bi quan”.

Theo bác sĩ Rozanski, sự lạc quan giống như một cơ bắp, có thể được rèn luyện để trở nên mạnh mẽ hơn thông qua thái độ tích cực và lòng biết ơn. Bằng cách này, chúng ta có thể thay thế những suy nghĩ tiêu cực phi lý bằng những suy nghĩ tích cực và hợp lý hơn.

Mặc dù các cơ chế chính xác vẫn đang được nghiên cứu nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự lạc quan đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó, việc rèn luyện một cái nhìn tích cực có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để giúp bạn vượt qua những khó khăn và thử thách dễ dàng hơn, quản lý căng thẳng và thậm chí cải thiện tuổi thọ. Bằng cách áp dụng các phương pháp nuôi dưỡng sự lạc quan, chúng ta có thể trao quyền cho bản thân để vượt qua những thách thức của cuộc sống để có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.

Nguồn: