Lũ lụt làm giảm chất lượng sống của người dân ven biển miền Trung ở hầu hết các lĩnh vực - theo kết quả từ nghiên cứu đầu tiên phân tích chất lượng sống và mối liên hệ của nó với các biến số nhân khẩu xã hội, tác động của lũ lụt...

Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, chịu ảnh hưởng của nhiệt đới gió mùa nên mỗi năm các khu vực ven biển phải hứng chịu 12-14 trận bão. Một nửa số thành phố lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 31% dân số toàn quốc, nằm ở vùng ven biển và chịu ảnh hưởng của các đợt thiên tai như bão, lụt, xói mòn. Số lượng người dân sống dưới mức nghèo ở các khu vực duyên hải cao hơn so với những nơi khác. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu cảnh thiếu nước sạch, đi lại khó khăn, và sức khỏe của họ cũng không đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng, hiện nay không có nhiều báo cáo về chất lượng sống của người dân miền duyên hải.

Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học từ Đại học Huế, Trường đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Đại học Newcastle (Anh), và Đại học Yamagata (Nhật Bản) đã tiến hành nghiên cứu đầu tiên phân tích chất lượng cuộc sống và mối liên hệ của nó với các biến số nhân khẩu xã hội, và tác động của lũ lụt.

Họ chọn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm địa điểm nghiên cứu. Gần đây, tỉnh này đã trải qua nhiều thiên tai với cường độ và tần suất ngày càng tăng. Tại đây có bảy xã nghèo ở vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được Thủ tướng chính phủ công nhận là đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2021-2025. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chọn mẫu nhiều bậc, chọn ngẫu nhiên hai trong số bảy xã nghèo là Giang Hải ở huyện Phú Lộc và Phú Gia ở huyện Phú Vang. Từ đây, họ lại chọn ngẫu nhiên bốn thôn: thôn Giang Chế và thôn Nam Trường ở xã Giang Hải; thôn Hà Trữ Thượng và thôn Mong B ở xã Phú Gia.

Nhóm nghiên cứu sử dụng công cụ chất lượng sống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHOQOL-BREF) làm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân sống trong khu vực này và các yếu tố liên quan. Thang đo WHOQOL-BREF gồm các lĩnh vực: sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý, quan hệ xã hội và môi trường.

Họ yêu cầu sinh viên tại Trường đại học Y Dược, Đại học Huế dùng bảng hỏi gồm 26 câu để phỏng vấn trực tiếp 595 người tham gia có độ tuổi từ 18 trở lên, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2022 tới tháng 2/2023.

Cảnh ngập lụt tại huyện Phú Vang. Nguồn: phuvang.thuathienhue.gov.vn
Cảnh ngập lụt tại huyện Phú Vang. Nguồn: phuvang.thuathienhue.gov.vn

Kết quả cho thấy, chỉ có 39,3% số người tham gia có chất lượng sống tốt. Trong số bốn lĩnh vực của thang đo WHOQOL-BREF, lĩnh vực sức khỏe thể chất có số điểm thấp nhất (số trung bình ± độ lệch chuẩn) là 57,2 ± 12,3, còn lĩnh vực quan hệ xã hội có số điểm cao nhất là 63,4 ± 13,4. Những người bị lũ lụt làm ảnh hưởng cuộc sống có điểm chất lượng sống ở hầu hết mọi lĩnh vực - trừ lĩnh vực các mối quan hệ xã hội - thấp hơn hẳn so với những người không bị ảnh hưởng. Các yếu tố khác góp phần làm giảm chất lượng sống gồm nghề nghiệp là nông dân-ngư dân, thu nhập thấp; các căn bệnh cơ xương khớp; không hài lòng với tình trạng sức khỏe hiện tại; mâu thuẫn gia đình; và ít hỗ trợ từ xã hội.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp thích hợp và thực tế để tăng cường hỗ trợ người dân về mọi mặt để nâng cao sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý, các mối quan hệ xã hội và môi trường sống, đặc biệt đối với người dân bị lũ lụt ảnh hưởng cuộc sống.

Nghiên cứu của nhóm đã được công bố trên trên tạp chí Scientific Reports.