Các khoản trợ cấp kinh doanh cho khởi nghiệp thường do chính phủ hoặc các tập đoàn lớn trao cho startup. Nhưng không giống như các khoản vay, chúng không cần phải hoàn trả.

Công ty khởi nghiệp Forte Biotech đã phát triển một bộ xét nghiệm được cấp bằng sáng chế để phát hiện bệnh trên tôm. Ảnh: Forte Biotech
Công ty khởi nghiệp Forte Biotech đã phát triển một bộ xét nghiệm được cấp bằng sáng chế để phát hiện bệnh trên tôm. Ảnh: Forte Biotech

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà khởi nghiệp công nghệ sinh học đang phát triển một phương pháp xét nghiệm ung thư mới bằng kit-test. Chính phủ có thể cung cấp một chương trình tài trợ đối ứng phù hợp cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Bạn huy động được 1 tỷ đồng từ các nhà đầu tư tư nhân, chương trình tài trợ sẽ cung cấp thêm cho bạn 2-3 tỷ đồng tài trợ tương ứng. Đây thực chất là tiền miễn phí để giúp công ty khởi nghiệp của bạn phát triển. Miễn là bạn tuân theo các quy tắc của chương trình (như sử dụng quỹ cho nghiên cứu, hoặc thử nghiệm thị trường), bạn sẽ không cần phải trả lại tiền.

Là một người chịu trách nhiệm hỗ các startup kết nối với các doanh nhân quốc tế, anh Trần Trí Dũng, quản lý khu vực chương trình SwissEP tại Việt Nam, ủng hộ mô hình này.

Anh đã quan sát thấy rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng biến ý tưởng thành sản phẩm cực kỳ tốt nhưng gặp khó khăn khi gia nhập thị trường. Lý do mà họ thường đề cập là thiếu vốn và đối tác. Một điều không bất ngờ là hầu như không ai trong số họ nghĩ đến việc tìm kiếm những điều này tại khu vực công.

Thực ra, cơ chế tài trợ đối ứng không mới, nhưng nó được áp dụng cho các tổ chức nghiên cứu hơn là cho các công ty tư nhân. Các tổ chức nghiên cứu sử dụng rất nhiều các khoản tài trợ của chính phủ (nhiều khi lên tới 100% ngân sách) và chắc chắn đã có nhiều phát minh độc đáo, hữu ích được áp dụng vào thực tiễn. Nhưng đó là cách tiếp cận từ hàn lâm ra thị trường. Và có rất nhiều kết quả nghiên cứu trong quá trình đó mãi mãi chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm, không ra được tới thị trường.

Cách tiếp cận ngược lại - bắt đầu từ thăm dò thị trường sau đó phát triển các sản phẩm thương mại với công nghệ và chi phí phù hợp - gần với hoạt động của các doanh nghiệp hơn nhưng cũng ít có cơ hội nhận tài trợ hơn. Đó là lý do vì sao một số doanh nghiệp phải “núp bóng” các đề tài nghiên cứu để tranh thủ nguồn vốn dồi dào của địa hạt này.

“Thường là các đề tài nghiên cứu xong sẽ được yêu cầu phải chuyển giao cho một doanh nghiệp nào đó. Nhưng đôi khi, câu chuyện là doanh nghiệp đã có kết quả nghiên cứu rồi mới cùng một tổ chức chủ trì đăng ký đề tài để có nguồn vốn cho giai đoạn tiếp theo. Nhà nước sẽ tài trợ cho họ tối đa khoảng 30% ngân sách của dự án, doanh nghiệp và tổ chức sẽ tìm cách huy động số đối ứng còn lại”, một nhà nghiên cứu giấu tên chia sẻ với Khoa học & Phát triển hồi năm ngoái.

Tất cả chỉ ra rằng chính phủ cần một cơ chế hỗ trợ tài chính tốt hơn - và nhắm đích hơn - cho các doanh nghiệp tư nhân đang muốn phát triển sản phẩm công nghệ của mình.

Trong nhiều mô hình tài chính đã được tổng kết ở các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, góp vốn vào quỹ đối ứng là một cách có mức rủi ro thấp cho chính phủ nhưng lại có tác dụng đòn bẩy cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư tư nhân.

Mô hình này đã được báo cáo trong tài liệu của chương trình IPP2* hồi năm 2018 dưới danh mục những cơ chế tài chính mà chính phủ Việt Nam “nên có” để hỗ trợ khởi nghiệp nhưng chưa tồn tại hoặc đã được hợp thức hóa nhưng chưa triển khai tại thời điểm đó.

Đến nay, sau sáu năm, chúng vẫn vắng bóng. Hoặc ít nhất, các startup không hề nghe đến.

Lợi ích ba bên

Mục đích của các chương trình tài trợ đối ứng là khuyến khích đầu tư tư nhân vào các công ty khởi nghiệp bằng cách giảm rủi ro cho các nhà đầu tư và cung cấp thêm nguồn lực cho các công ty khởi nghiệp phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh.

Các chương trình tài trợ thường được thiết kế để hỗ trợ các ngành hoặc loại hình khởi nghiệp cụ thể, chẳng hạn như các quỹ tài trợ cho những công ty có sứ mệnh tạo tác động xã hội hoặc môi trường, hay quỹ tài trợ cho những lĩnh vực mũi nhọn như y tế/chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, năng lượng sạch, hàng không vũ trụ.v.v

Một trong những lợi thế lớn nhất của tài trợ đối ứng là nó làm giảm rủi ro cho cả nhà cung cấp khoản tài trợ và doanh nghiệp nhận được nó. Bằng cách có hai bên đầu tư vốn, gánh nặng chi phí được giảm đi và rủi ro dự án cũng được san sẻ. Hơn nữa, khi nhiều bên đầu tư vào một dự án, sẽ có nhiều người hợp tác và hỗ trợ dự án hơn, tăng cơ hội thành công cho dự án đó.

Anh Trần Trí Dũng.
Anh Trần Trí Dũng, giám đốc khu vực Hà Nội của chương trình SwissEP tại Việt Nam. Ảnh: TP

Một lợi thế khác là tài trợ đối ứng thường tạo hiệu ứng “quả cầu tuyết lăn”. Ngay cả khi một doanh nghiệp chỉ đầu tư một lượng nhỏ tiền của chính mình, họ có thể thu hút được một khoản trợ cấp lớn hơn so với mức nhận được thông qua các kênh huy động truyền thống. Các nguồn tài trợ truyền thống, chẳng hạn như vay ngân hàng, đầu tư mạo hiểm và đầu tư thiên thần, có thể là thách thức với nhiều dự án hoặc công ty khởi nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn đầu.

Và khi một startup nằm trong danh sách nhận tài trợ của chính phủ, tín hiệu “công nhận” vô hình đó không chỉ nâng cao danh tiếng của công ty mà còn thu hút các nhà đầu tư hoặc khách hàng tiềm năng. Thực tế, đã có nhiều startup đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi khởi nghiệp Techfest quốc gia huy động được hàng triệu USD vốn ngoại hoặc mở rộng thị trường ra nước ngoài khi giới thiệu mình là một startup uy tín.

“Chúng ta nên xây dựng niềm tự hào đó cho mọi người bằng cách xây dựng một chương trình tài trợ cẩn thận. Đó sẽ là một trong những thương hiệu quốc gia để các nhà đầu tư quốc tế soi chiếu vào”, anh Dũng nhấn mạnh.

Với mô hình tài trợ đối ứng, chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân sẽ cùng tiến cùng lùi trên một con thuyền. Chính phủ có thể tận dụng chuyên môn của khu vực tư nhân để chọn lựa và giám sát doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (đây là lĩnh vực chính phủ không thể thực hiện được một cách thỏa đáng). Ngược lại, khu vực tư nhân có thể truy cập vào các nguồn cung ứng dự án tốt và những kiến thức của chính phủ về các ngành hoặc lĩnh vực cụ thể có khả năng tăng trưởng cao.

Xét về mặt lợi ích tài chính, Chính phủ nên chấp nhận thu về lợi ích ít hơn so với nhà đầu tư tư nhân để thu hút sự tham gia của khu vực này.

Xét về mặt điều hành vĩ mô, các quỹ tài trợ của chính phủ khi vận hành tốt có thể tạo ra “cú hích” cho sự đột phá tăng trưởng. “Tiền đó sẽ thực sự đi vào sản xuất kinh doanh. Nó có thể tạo ra sự đổi mới sáng tạo trong các ngành, bởi startup thực sự là những gã khổng lồ nhỏ bé.”, anh Trần Trí Dũng kết luận.

_______________________________________

Chú thích:

* IPP2 là chương trình đầu tiên tại Việt Nam thí điểm cơ chế tài chính hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo. Chương trình do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng chủ trì, thực hiện trong 4 năm (2014-2018)