Đã hơn hai thập kỷ kể từ khi con người nhân bản thành công động vật có vú đầu tiên, cừu Dolly. Giờ đây, các nhà khoa học đang tiến một bước gần hơn đến việc tạo ra trứng được thụ tinh ống nghiệm (IVF) từ tế bào da của phụ nữ lớn tuổi hoặc bệnh nhân ung thư buồng trứng.

Phương pháp này cũng mở ra hy vọng cho các cặp nam giới có thể có con mang DNA của cả hai người.

Shoukhrat Mitalipov - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, suốt 20 năm qua, phòng thí nghiệm của ông đã nghiên cứu để phát triển các phương pháp điều trị sinh sản cho những bệnh nhân thiếu tinh trùng hoặc trứng không khỏe mạnh. Theo ông, các phương pháp hiện tại buộc người vô sinh phải sử dụng tinh trùng hoặc trứng được hiến tặng và những đứa con sinh ra không chia sẻ huyết thống hay di truyền với bố mẹ. Nhưng công nghệ mới sẽ cho phép những bệnh nhân vô sinh có những đứa con mang DNA của họ, điều ngay cả phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hiện tại cũng không làm được.

Hình minh họa. Nguồn: Alamy

Các nhà khoa học trên khắp thế giới cũng đang nghiên cứu một số phương pháp để tạo ra trứng và tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tạo ra trứng từ tế bào da của chuột đực, dẫn đến sự ra đời của những chú chuột con có hai bố.

Trong thí nghiệm mới nhất, được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã được thực hiện trên chuột nhưng áp dụng một cách cận khác, nhanh hơn nhiều để tạo ra trứng IVF. Họ bắt đầu với một quả trứng hiến tặng, loại bỏ nhân của nó rồi chuyển tế bào da chuột vào nhân trứng. Trứng sau đó được nuôi cấy theo cách tự nhiên và được loại bỏ một nửa số nhiễm sắc thể. Bước này đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ đảm bảo sau khi mang trứng đi thụ tinh thành công với tinh trùng, phôi sẽ có một nửa nhiễm sắc thể từ bố và một nửa từ mẹ. Aleksei Mikhalchenko - giáo sư Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon ở Portland, tác giả đầu tiên của nghiên cứu,cho biết: “Theo phương pháp của chúng tôi, trứng có thể được tạo ra trong vòng hai đến ba giờ".

Cừu Dolly được tạo ra vào năm 1996 thông qua một quá trình tương tự, được gọi là chuyển nhân tế bào soma, hay SCNT. Giáo sư Ian Wilmut và nhóm của ông tại Viện Roslin ở Edinburgh khi đó đã tách nhân từ tế bào tuyến vú của cừu cái Finn Dorset và kết hợp nó với một quả trứng, tạo ra phôi thai mang toàn bộ DNA của cừu cái.

Năm 2022, nhóm của Mitalipov đã công bố sự ra đời của ba con chuột sống từ thí nghiệm của họ, nhưng tỷ lệ thành công chỉ dưới 1%. Nghiên cứu mới nhất của họ tập trung vào cách trứng loại bỏ một nửa nhiễm sắc thể cần thiết để chúng phát triển thành phôi khỏe mạnh. Mitalipov cho biết: “Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là nâng cao tỷ lệ thành công ở từng giai đoạn của quy trình”.

Paula Amato - giáo sư sản phụ khoa, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết ưu điểm của kỹ thuật của nhóm là tránh được thời gian nuôi cấy dài như các phương pháp tái lập trình tế bào khác. Cô nói: “Nếu kéo dài vài tháng, rất nhiều thay đổi biểu sinh và di truyền có hại có thể xảy ra".

“Nếu công nghệ này trở nên khả thi về mặt lâm sàng trong tương lai, nó có tiềm năng cách mạng hóa IVF và mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân vô sinh bị mất giao tử do bệnh tật, lão hóa hoặc điều trị ung thư”, Mikhalchenko nói. Giao tử là tế bào trong tinh trùng và trứng. “Các ứng dụng lâm sàng của công nghệ này có thể sẽ phải mất một thập kỷ nữa mới được hiện thực hóa và cần phải đánh giá kỹ lưỡng về tính an toàn, hiệu quả và cả các khía cạnh đạo đức, nhưng tiềm năng của nó trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản mang lại triển vọng đầy hứa hẹn cho y học sinh sản trong tương lai,” ông nói thêm.

Nhiều quốc gia hiện cấm sử dụng tinh trùng và trứng nhân tạo để điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh. Nhưng những tiến bộ trong những năm tới có thể thúc đẩy các trào lưu để các chính phủ dần chấp thuận để mọi người đều có thể có con.

Nguồn: