Sau gần hai thập kỷ đưa kiểm định chất lượng vào hệ thống giáo dục đại học, bất kể một bộ máy đồ sộ đã được triển khai với khung pháp lý đầy đủ và liên tục được cập nhật, chất lượng giáo dục ở quy mô hệ thống vẫn chưa được kiểm soát khi khoảng 33% số trường và khoảng 75% số chương trình đào tạo chưa được đánh giá, kiểm định.

Bức tranh kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Tính đến ngày 31/10/2023, bảy năm đã qua kể từ khi hệ thống kiểm định chính thức đi vào hoạt động, khởi đầu với bốn trung tâm kiểm định chất lượng độc lập. Đã có 187 trường đại học hoàn thành kiểm định chất lượng cấp trường, chiếm 77% tổng số các trường đại học, học viện - kể cả khối quân sự, an ninh. Nhưng số trường được kiểm định có hiệu lực chỉ vào khoảng 160 trường. Có 55 trường chưa từng được kiểm định bởi các tổ chức trong nước, chủ yếu nằm ở khối trường an ninh, quân sự và ngoài công lập.

Theo danh sách công bố trên trang web của Bộ GD&ĐT, có một số trường công lập được công nhận đạt chất lượng nhưng không theo tiêu chuẩn trong nước mà theo tiêu chuẩn kiểm định bởi các tổ chức quốc tế, như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đạt chứng nhận kiểm định của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp HCERES.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM hiện dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế, với 60 chương trình, gồm 52 chương trình đào tạo bậc đại học và 8 chương trình đào tạo bậc sau đại học, tương đương chiếm 13% tổng số chương trình đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Trong ảnh: Giảng viên Trường ĐH Trent (Canada) và Trường ĐH Bách khoa TPHCM hướng dẫn sinh viên lấy mẫu trầm tích. Nguồn: HCMUT
Trường ĐH Bách khoa TPHCM hiện dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế, với 60 chương trình, gồm 52 chương trình đào tạo bậc đại học và 8 chương trình đào tạo bậc sau đại học, tương đương chiếm 13% tổng số chương trình đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Trong ảnh: Giảng viên Trường ĐH Trent (Canada) và Trường ĐH Bách khoa TPHCM hướng dẫn sinh viên lấy mẫu trầm tích. Nguồn: HCMUT

Ở cấp chương trình, theo thống kê của Cục Quản lý Chất lượng, kể từ năm 2011 đã có 1.476 lượt chương trình đào tạo cấp bằng thuộc 140 cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng, trong đó 1025 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc gia do các trung tâm kiểm định chất lượng trong nước thực hiện, chiếm 69%. Số còn lại được kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng nước ngoài như ABET, AACSB, ACBSP, ASIIN, ACQUIN, hoặc công nhận chất lượng khu vực hoặc quốc tế như AUN-QA. Tính trên tổng số khoảng hơn 6.000 chương trình đào tạo được cung cấp trong toàn hệ thống thì con số này chỉ chiếm khoảng 24%. Con số chính xác sau khi lọc các chương trình kiểm định đã được tái kiểm định sẽ còn thấp hơn nhiều.

Có thể nói kiểm định cấp chương trình nở rộ khoảng ba năm trở lại đây, nhất là kiểm định quốc tế, được cho là có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chủ yếu là chính sách gắn kiểm định với việc tự chủ xác định mức học phí. Một số trường đại học công lập tốp đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM đang hướng tới những mục tiêu chiến lược cao như đạt 100% chương trình đào tạo bậc cử nhân/kỹ sư hoặc 60-70% các chương trình đào tạo các bậc được kiểm định, công nhận.

Trong khi đó, những chuyển động trong kiểm định cấp trường khá ì ạch, uể oải và cho thấy chênh lệch lớn về nhận thức của lãnh đạo đại học về kiểm định chất lượng. Như vậy sau gần hai thập kỷ đưa kiểm định chất lượng vào hệ thống giáo dục đại học, bất chấp kiểm định chất lượng đã được luật hóa trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, bất kể một bộ máy đồ sộ đã được triển khai với khung pháp lý đầy đủ, thậm chí còn liên tục được cập nhật, thay đổi, có thể nói chất lượng giáo dục ở quy mô hệ thống vẫn chưa được kiểm soát khi khoảng 1/3 số trường và khoảng 75% số chương trình đào tạo chưa được đánh giá, kiểm định nhưng vẫn đang vận hành và cấp bằng.

Giá trị nhận được từ kiểm định chất lượng

Kiểm định chất lượng là công cụ quản lý chất lượng bằng cách trực tiếp kiểm soát các yếu tố đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo với kỳ vọng quá trình này gián tiếp tác động tới kết quả học tập của người học thường được dùng để đo lường chất lượng giáo dục. Với thiết kế kỹ thuật của công cụ này, các hoạt động chuyên môn, như phát triển chương trình, đề cương môn học, đề thi, tổ chức giảng dạy và thực hành phương pháp sư phạm, kiểm tra, đánh giá, cho đến các hoạt động quản lý, hành chính, như quản lý sinh viên, tổ chức các dịch vụ hỗ trợ người học, học phí và hỗ trợ tài chính… đều có thể được điều chỉnh thông qua các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá. Tuy nhiên mức độ tác động là rất khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan.

Trước nhất, tâm thế và nhận thức của lãnh đạo, cán bộ và giảng viên đối với kiểm định là yếu tố chủ quan chính yếu. Kiểm định chất lượng giáo dục vẫn luôn được cho là công cụ ‘thúc đẩy tuân thủ’ hơn là một công cụ ‘thúc đẩy cải tiến liên tục’. Tức là, trong quá trình đánh giá và tự đánh giá phục vụ mục đích kiểm định, người ta có xu hướng tìm hiểu yêu cầu của các tiêu chuẩn là gì và cố gắng đáp ứng các yêu cầu này với hệ thống các minh chứng đã chuẩn bị trước. Trong trường hợp này, các yêu cầu về ‘chất lượng’ được diễn dịch theo lớp vỏ hình thức một cách thiển cận mà không thấu đáo cơ sở, nguồn gốc, ý nghĩa của những yêu cầu kỹ thuật này. Những người thực hiện tự đánh giá chương trình có xu hướng tập trung vào làm sao cho đạt hơn là cải tiến, thay đổi thực hành cho tốt lên. Như vậy, cái họ học được, và giá trị mà kiểm định đem lại là rất hạn chế so với những nơi chủ động tìm hiểu để nâng cao năng lực thực hành của cá nhân cán bộ giảng viên và năng lực điều hành, quản lý của tổ chức. Việc chủ động tiếp nhận, học tập và nâng cao năng lực từ kiểm định chất lượng hay tuân thủ các yêu cầu kiểm định chất lượng một cách đối phó là những lựa chọn mang tính nhận thức của những nhà lãnh đạo, quản lý đại học.

Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khách quan, ngoài tầm kiểm soát của nhà trường và khoa chủ quản của chương trình đào tạo được kiểm định. Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí được diễn giải qua bộ xử lý của các đánh giá viên, nên kỳ vọng đặt ra phụ thuộc vào hiểu biết của người đánh giá. Các đề xuất cải tiến cũng như vậy, được giới hạn bởi kiến thức của kiểm định viên. Chính vì vậy cùng trải qua quá trình đánh giá, kiểm định, có những trường, chương trình nhận được nhiều góp ý, đề xuất có giá trị trong khi những trường, chương trình đào tạo khác có thể nhận được những ý kiến không liên quan, ít khả thi. Quá trình theo dõi và tìm hiểu sự phát triển của kiểm định, chúng tôi từng ghi nhận những phản ứng tiêu cực của nhà trường, cả trường công lập và tư thục, trước những đòi hỏi của tổ chức kiểm định nhà trường cho là chưa xác đáng. Điều này cũng hạn chế những lợi ích nhà trường thu nhận được từ quá trình kiểm định.

Các yếu tố khách quan khác như việc thay đổi bộ chuẩn đánh giá quốc gia, hoặc việc tạm dừng công tác đánh giá ngoài quá lâu khiến các trường hoàn thành tự đánh giá không thể hoàn tất quy trình kiểm định đều tác động ngược trở lại nhà trường, làm suy giảm niềm tin và đồng thuận đối với kiểm định chất lượng, suy cho cùng, đều làm suy giảm giá trị của công cụ này.

Không thể phủ nhận kể từ khi có kiểm định chất lượng, nhận thức, hiểu biết về các vấn đề chuyên môn của giáo dục và sư phạm của những người trực tiếp tham vào quá trình giáo dục được cải thiện đáng kể, trong đó phải nói đến việc chuyển dịch từ đào tạo dựa trên nội dung sang theo chuẩn đầu ra và phát triển năng lực, hoặc việc khảo sát ý kiến của các bên liên quan trong đó có khảo sát ý kiến người học về việc giảng dạy, thường được gọi nôm na là ‘đánh giá giảng viên’ phục vụ công tác thi đua khen thưởng, xét thu nhập tăng thêm và cải tiến chất lượng liên tục. Nhưng song song với đó là nhiều ý kiến về những bất cập của kiểm định chất lượng như cồng kềnh, tốn kém, trong khi chưa mang lại những thay đổi thực chất. Giá trị của kiểm định chất lượng ở cấp toàn hệ thống chỉ dừng ở mức khiêm tốn. Nhìn một cách tích cực, điều này có nghĩa rằng vẫn còn những giá trị tiềm năng của kiểm định chất lượng mà tổng thể hệ thống và các cơ sở giáo dục đại học có thể khai thác.

Tiếp tục ‘quản’ chất lượng giáo dục đại học như thế nào?

Đại diện HCERES tham quan cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội  (Hust) trong đợt kiểm định ngày 27-28/11/2023. Nguồn: HUST
Đại diện HCERES tham quan cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội (Hust) trong đợt kiểm định ngày 27-28/11/2023. Nguồn: HUST

Cấp hệ thống giáo dục đại học, hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia

Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục thực hiện thay đổi kiểm định chất lượng (thay đổi bộ tiêu chuấn) và các công cụ đảm bảo chất lượng khác. Bất kể sự thay đổi gì ở khía cạnh nào đều cần phải đảm bảo tính hệ thống, tuyệt đối tránh chồng chéo, cồng kềnh không cần thiết nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Hướng đến sự phát triển bền vững thông qua tính thực chất và sự đồng thuận


Mặc dù còn nhiều bất cập, do cả các vấn đề nội tại của công cụ lẫn những vấn đề của hệ thống giáo dục đại học trong nước, kiểm định chất lượng vẫn là công cụ khả dĩ nhất cho đến khi có công cụ mới thay thế. Do vậy, tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng để tồn tại bền vững, đem lại những giá trị thực chất chứ không chỉ đối phó, hời hợt, mọi thay đổi cần phải hướng tới giảm bớt cồng kềnh và áp đặt, tăng cường hỗ trợ và phát triển năng lực.

Chẳng hạn, Hệ thống Cơ sở dữ liệu Giáo dục đại học HEMIS triển khai đồng thời với hệ thống quản lý thông tin kiểm định chất lượng trong gần hai năm qua đã và đang gây áp lực đối với các trường đại học về việc cung cấp thông tin, với khối lượng thông tin khổng lồ mà các trường phải báo cáo, xử lý và tải dữ liệu lên cổng thông tin quản lý của Bộ và Cục Quản lý chất lượng. Rõ ràng sự thay đổi này là cần thiết cho quá trình chuyển đổi số, nhưng nếu cách thực hiện không phù hợp, không đặt lợi ích của các cơ sở giáo dục đại học lên trên mà chỉ theo hướng ‘top-down’ áp đặt, thì sẽ khó triển khai, thậm chí có thể dần dần biến kiểm định chất lượng thành công cụ ‘chết’, hoặc bị bóp méo, biến tướng.

Cần đặc biệt lưu ý rằng cách tiếp cận ‘tuân thủ’ sẽ phát huy tác dụng ở giai đoạn đầu khi toàn bộ hệ thống mới bắt đầu làm quen với kiểm định chất lượng, nhưng về lâu dài sẽ cản trở sự phát triển bền vững. Cần tuyệt đối tránh lạm dụng quyền đặt chính sách, quy định để không biến kiểm định chất lượng trở thành một công cụ quản lý quan liêu, hình thức.

Thúc đẩy kiểm định chất lượng cấp cơ sở đào tạo bằng công cụ chính sách

Có thể thấy kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo có tốc độ phát triển tốt nhờ chính sách thúc đẩy phù hợp. Tương tự, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể thúc đẩy tất cả các cơ sở giáo dục đại học hoàn thành kiểm định chất lượng cấp trường bằng công cụ chính sách. Có thể hiểu kiểm định chất lượng cấp trường nhằm đảm bảo các điều kiện để cơ sở giáo dục đại học có thể hoạt động, vận hành một cách có trách nhiệm, còn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo xem xét các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của một chương trình cụ thể, do vậy tập trung vào các yếu tố chuyên môn, chuyên ngành. Như vậy, kiểm định chất lượng cấp trường là tiền đề, trên cơ sở đó kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo cho phép việc tổ chức đào tạo và cấp bằng cho người tốt nghiệp. Một mặt cần đặt thời hạn cho việc hoàn thành kiểm định chất lượng cấp trường và có chế tài cụ thể với những trường hợp không thực hiện. Đồng thời yêu cầu kiểm định chất lượng cấp trường là cơ sở, điều kiện để đăng ký kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo.

Nâng cao chất lượng dịch vụ cả về chuyên môn và hành chính

Để một công cụ như kiểm định chất lượng có hiệu quả, tư duy quản lý và thực thi chính sách đảm bảo chất lượng đóng vai trò tối quan trọng. Ở cấp hệ thống, đó là công cụ quản lý nhà nước, nhưng từ phía nhà trường, kiểm định chất lượng là một dịch vụ do các tổ chức kiểm định chất lượng cung cấp.

Với cách tư duy như vậy, các cơ sở giáo dục đại học là khách hàng; các trung tâm kiểm định chất lượng cần phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ để chiếm thị phần đánh giá và kiểm định chất lượng thay vì sử dụng quyền ra phán quyết ‘Đạt’ hay ‘Không đạt’ khiến cho đơn vị bị đánh giá e ngại. Đồng thời cần tránh trở thành lực lượng thanh tra thứ hai hay ‘cảnh sát giáo dục’ để bắt lỗi, trừng phạt hay đưa ra chế tài khi thấy không tuân thủ. Phản ứng che giấu điểm yếu, tâm lý sợ sệt, e ngại đoàn đánh giá ngoài dù không phải là không có cơ sở và không dễ phủ nhận, nhất là ở nhóm trường tốp dưới với năng lực đảm bảo chất lượng còn yếu. Một thái độ nghề nghiệp chuyên nghiệp, hành xử chuẩn mực, cộng với hiểu biết sâu về giáo dục của các thành viên đoàn đánh giá cũng chính là chất lượng, là uy tín của tổ chức kiểm định.
Đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng đều giữa các trung tâm kiểm định chất lượng trong nước cũng là một thách thức. Ngoài các tổ chức được hình thành từ các đơn vị có bề dày về chuyên môn và đội ngũ ở các trường công lập lớn, còn có các trung tâm ngoài công lập mới được thành lập. Độ tin cậy của kết quả đánh giá giữa các tổ chức này vẫn luôn là câu hỏi của không những các cơ sở giáo dục mà còn chính các trung tâm kiểm định chất lượng và kiểm định viên.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học


Kiểm định chất lượng cấp trường với cấp chương trình đào tạo


Tập trung vào kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo đem lại những lợi ích thiết thực hơn cho nhà người và người học, do vậy các trường đại học cần có chủ trương, chiến lược và kế hoạch triển khai cụ thể, hướng tới kiểm định chất lượng 100% các chương trình đào tạo đã có sinh viên tốt nghiệp để đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục chất lượng cho tất cả người học. Điều quan trọng là lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng phù hợp với mỗi nhóm chương trình đào tạo của nhà trường sao cho vừa sức, khả thi.

Đối với những chương trình đào tạo hàng tinh hoa thuộc tốp đầu ngành (các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, tiên tiến), theo đuổi kiểm định chất lượng chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế chuyên ngành có uy tín (chẳng hạn ABET, ASIIN với khối công nghệ, kỹ thuật; AACSB, ACBSP với khối kinh tế, kinh doanh; ACCM, LCME với khối Y, Dược, v.v.) luôn giúp khẳng định uy tín của nhà trường và đem lại lợi ích to lớn cho cả nhà trường và người học, nhất là khi đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế trong đào tạo và thu hút sinh viên quốc tế.

Với các chương trình đào tạo đại trà, việc kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc gia để đảm bảo mặt bằng chất lượng tối thiểu rồi dần dần nâng lên các tiêu chuẩn cao hơn sẽ là hợp lý.

Trong khi đó, kiểm định chất lượng cấp trường vẫn cần được đảm bảo bởi đây là cơ hội cho lãnh đạo và quản lý cấp cao nâng cao năng lực quản lý, quản trị nhờ việc tiếp cận với các yêu cầu của quản trị đại học. Về cơ bản, kiểm định chất lượng cấp trường theo tiêu chuẩn quốc gia là đủ, tuy nhiên nếu lãnh đạo nhà trường có chiến lược phát triển ra khu vực thì thì nên tiếp cận các bộ tiêu chuẩn đánh giá quốc tế và trải nghiệm các yêu cầu của quản trị đại học tiên tiến. Việc này tùy thuộc nhiều vào chiến lược phát triển nhà trường cũng như nguồn lực tài chính, nhân sự cho nhiệm vụ kiểm định. Tuy nhiên cần chuẩn bị tinh thần rằng đánh giá cấp trường luôn rất tốn kém, với khối lượng công việc khổng lồ, gây mệt mỏi.

Tập trung nguồn lực phát triển đảm bảo chất lượng nội bộ

Khi kiểm định chất lượng mới bắt đầu được sử dụng, phần lớn các trường theo cách tiếp cận ngắn hạn, tập trung giải quyết các vấn đề tình thế nhằm đạt các yêu cầu tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Cách tiếp cận này cản trở những nỗ lực cải tiến chất lượng một cách có hệ thống và căn cơ. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, kiểm định chất lượng không còn là sự vụ, được thực hiện dưới hình thức đề án, mà trở thành nhiệm vụ thường xuyên, một phần đương nhiên của đảm bảo chất lượng nội bộ, được phân bổ một phần ngân sách chi thường xuyên. Các trường có cơ hội để đầu tư nguồn lực và dành thời gian xây dựng và phát triển công tác đảm bảo chất lượng nội bộ từ gốc một cách chuẩn chỉnh, đồng thời có thời gian để nâng cao nhận thức và năng lực đảm bảo chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, từ đó tiến tới xây dựng văn hóa chất lượng – thứ hình thành nền tảng cơ bản để tổ chức phát triển bền vững.

Cùng lúc, cần nhìn nhận đảm bảo chất lượng là công tác xuyên suốt tất cả các mảng hoạt động của đại học chứ không phải là ngành dọc, hoạt động độc lập với đào tạo và nghiên cứu. Đảm bảo chất lượng do vậy cần gắn chặt với chiến lược phát triển nhà trường và đi kèm tất cả mọi hoạt động. Thực hành đảm bảo chất lượng phải trở thành một phần không tách rời trong toàn bộ các hoạt động của nhà trường và được thực thi bởi từng cá nhân cán bộ, giảng viên, chứ không chỉ là nhiệm vụ của đơn vị đảm bảo chất lượng. Nhận thức thay đổi như vậy kéo theo toàn bộ việc quản lý thay đổi.

Hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ vững chắc sẽ giúp quá trình kiểm định chất lượng trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn.

Đồng thời, một hệ thống đảm bảo chất lượng tốt sẽ đặt trọng số vào chất lượng hơn là số lượng, cân bằng việc đánh giá chất lượng và số lượng, nhờ vậy sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học tránh sa đà vào các chỉ tiêu định lượng thuần túy và chạy theo các mục tiêu nặng nề về thành tích định lượng như xếp hạng đại học, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững của tổ chức./.

Số liệu thống kê hệ thống kiểm định chất lượng:

Đính chính và cáo lỗi

Trong lần xuất bản đầu tiên, do sơ suất trong cập nhật thông tin và biên tập, bài viết đã có sai sót khi viết rằng, các trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Xây dựng Hà Nội chưa được kiểm định chất lượng. Trên thực tế, hai trường này không thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước mà theo tiêu chuẩn kiểm định bởi các tổ chức quốc tế.

Tòa soạn thành thật gửi lời xin lỗi đến Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và bạn đọc về những hiểu lầm mà bài viết có thể gây ra do thông tin không đầy đủ và sơ suất trong khâu biên tập.